Con tôi đã 2 tuổi mà ngủ đêm vẫn không yên, hay khóc đêm, vã mồ hôi…
Ảnh minh họa (nguồn internet) |
Một bạn đọc không nêu tên, hỏi: Chào bác sĩ! Cho tôi hỏi con tôi được hơn 2 tuổi rồi mà cứ hay khóc đêm, ban ngày thì không khóc. Mỗi lần khóc đêm cháu nhắm mắt nhưng đầu vã mồ hôi và chân tay sờ vào thấy cứng. Tình trạng này đã xảy ra từ bé đến giờ. Bác sĩ có thể tư vấn giúp tôi cách xử lý? Có phải bé thiếu dinh dưỡng không?
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), trả lời:
Tình trạng như con bạn có thể do hai nguyên nhân: thiếu canxi và vitamin D; hoặc do rối loạn thần kinh thực vật.
Tình trạng thứ nhất phổ biến hơn, bạn hãy bổ sung vào chế độ ăn của bé các thực phẩm giàu canxi như cá biển, hải sản, sữa, trứng…
Vitamin D cũng rất cần cho việc hấp thụ canxi từ thực phẩm. Để cơ thể tổng hợp được vitamin D, trẻ em và người lớn đều cần nắng trời. Hãy xem lại bạn đã để con tiếp xúc với ánh nắng đủ chưa? Hãy cho bé phơi nắng, chơi ngoài trời thêm. Trong mùa hè nắng gắt, tốt nhất là cho bé chơi tầm 45 phút đến 1 tiếng trong nắng sớm - khoảng thời gian từ khi nắng lên cho đến 8 giờ sáng.
Việc bổ sung canxi và vitamin D cũng rất cần thiết cho sự phát triển chiều cao và hệ cơ xương, do đó trẻ hay ngủ chập chờn, vã mồ hôi lạnh do thiếu canxi có thể đi kèm với việc cơ thể tăng trưởng không tốt. Nếu đã bổ sung canxi, phơi nắng mà trẻ vẫn thấp còi, vã mồ hôi, ngủ không ngon hay do dị ứng thực phẩm mà không thể ăn các món giàu canxi, bạn nên đưa bé đi khám.
Còn các trường hợp vã mồ hôi lạnh do rối loạn thần kinh thực vật thì không ảnh hưởng gì đến sự phát triển của trẻ, sẽ tự hết khi trẻ được 4-5 tuổi. Để bé bớt khó chịu, bạn nên chú ý thêm cách chăm sóc giấc ngủ cho trẻ.
Hãy cho trẻ mặt quần áo làm bằng chất liệu thoáng, thấm mồ hôi tốt, tấm lót giường, mền, gối cũng nên là loại thấm mồ hôi tốt và được giặt giũ thường xuyên.
Nên lưu ý hiện tượng vã mồ hôi lạnh không phải do lạnh, nên bạn vẫn cần giữ ấm cho trẻ. Không nên thấy mồ hôi mà tưởng trẻ nóng, để máy lạnh ở nhiệt độ quá thấp, quạt mạnh… Điều đó sẽ ảnh hưởng sức khỏe của bé và có thể là lý do bạn thấy tay chân bé lạnh, cứng. Ngược lại, những trẻ này càng cần được giữ ấm, nhất là tay, chân. Nhiệt độ phòng nên bảo đảm ở mức bình thường, ấm áp một chút, không để luồng gió của quạt hay máy lạnh thổi trực tiếp vào bé khi ngủ.
Theo NLĐO