PGS-TS-BS Lê Thị Anh Đào, Trưởng Khoa Phụ ngoại A5, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết quan sát bên ngoài trẻ không có gì bất thường, không sốt, tuy nhiên kết quả chụp cộng hưởng từ phát hiện bé có hai buồng tử cung, hai cổ tử cung, ứ dịch trong lòng âm đạo bên trái.
Các bác sĩ phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
Bác sĩ chẩn đoán bé bị dị tật bẩm sinh cơ quan sinh dục với tử cung đôi, chỉ định nhập viện phẫu thuật mở thông âm đạo bị bịt. Ca mổ an toàn, thành công, không ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của bệnh nhi.
Tử cung đôi là dị tật bẩm sinh hiếm gặp. Trước đó, bệnh viện này cũng phẫu thuật cho bệnh nhân 26 tuổi (ở Hà Tĩnh) bị dị dạng tử cung đôi. Người phụ nữ thường xuyên xuất hiện tình trạng có mùi và ra dịch âm đạo, từng điều trị viêm âm đạo nhưng không đỡ.
Theo bác sĩ Đào, tử cung đôi là có 2 cổ tử cung, một cổ tử cung thông vào âm đạo bình thường, một cổ tử cung thông vào âm đạo dị dạng bị bịt kín còn được gọi là âm đạo chột.
Đa phần phụ nữ tử cung đôi vẫn có đời sống tình dục bình thường, mang thai và sinh nở. Số ít người gặp các trở ngại như kinh nguyệt bất thường, vô sinh, sảy thai, sinh khó, sinh non, ảnh hưởng tới đời sống vợ chồng...
Bác sĩ khuyến cáo đối với những thai phụ có tử cung đôi cần chú ý đến sức khỏe trong thai kỳ, cần khám thai định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi, phát hiện sớm các bất thường và điều trị kịp thời.
Để tránh những nguy cơ về sức khỏe sinh sản có thể gặp ở tuổi vị thành niên, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ cách chăm sóc sức khỏe bản thân, quan sát, hỗ trợ và đưa trẻ đi khám kịp thời khi phát hiện ra bất thường.