Bạn đọc

Bé trai 4 tuổi tử vong sau khi tiêm kháng sinh Taxibiotic

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 14-8, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Cà Mau xác nhận đã có báo cáo về trường hợp bé trai 4 tuổi tử vong vì sốc phản vệ sau khi tiêm kháng sinh Taxibiotic.
Bệnh viện Sản-Nhi Cà Mau. Ảnh nguồn Báo Tiền Phong
Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Cà Mau. Ảnh nguồn Báo Tiền Phong
Trước đó, lúc 17 giờ ngày 12-8, bệnh nhân N.C.T. (4 tuổi, trú tại ấp Cây Sộp, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) bị co giật nên đã nhập viện Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh. Khi vào viện, bệnh nhân tỉnh, sốt 40°C, không dấu thần kinh khu trú, không hồng ban, không xuất huyết da, họng đỏ, 2 amydal to... Bệnh nhân được theo dõi sốt xuất huyết ngày 1 và viêm màng não. Bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm chức năng gan, chức năng thận và các xét nghiệm khác... đều bình thường.
Đến 5 giờ ngày 13-8, bệnh nhân N.C.T. vẫn còn sốt, hơi đừ, chi ấm, mạch quay rõ, tim đều rõ, phổi thô, bụng mềm. Đến 6 giờ ngày 13-8, bệnh nhận được tiêm Taxibiotic liều thứ 2 thì đột ngột co giật, tím tái toàn thân, đầu chi; mạch quay khó bắt, tim nghe mờ 70-80/phút, nhịp thở không đều 201/phút, phổi kém thông khí, bụng mềm...
Các bác sĩ tiến hành cấp cứu ngưng hô hấp tuần hoàn, xử trí theo phác đồ phản vệ độ 4. Sau 5 phút, bệnh nhân còn mê, tim nghe mờ hơn. Các y-bác sĩ tiếp tục cấp cứu ngưng hô hấp tuần hoàn, đặt nội khí quản, xoa bóp tim ngoài lồng ngực... Nhưng sau khoảng 60 phút, cấp cứu ngưng tuần hoàn hô hấp không hiệu quả, bệnh nhân tử vong. 
Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Cà Mau xác định nguyên nhân bệnh nhân N.C.T. tử vong là do phản ứng phản vệ độ 4 (sốc phản vệ) đối với kháng sinh Taxibiotic.
Cũng theo báo cáo của Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Cà Mau, trường hợp sốc phản vệ cũng thường gặp trong y khoa với độ 1,2,3, riêng phản ứng phản vệ độ 4 thì rất ít gặp. Qua làm việc, kíp trực đã làm đúng quy trình, phác đồ xử lý theo quy định của Bộ Y tế nhưng phản ứng phản vệ của bệnh nhân diễn ra quá nhanh và nặng nên không thể cứu được bệnh nhân N.C.T.
XUÂN PHẠM
 

Có thể bạn quan tâm