Điểm đến Gia Lai

Bên cầu Sông Bờ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi đã nhiều lần về thăm di tích Đường 7-Sông Bờ, nơi để lại ký ức khó phai mờ trong cuộc đời chiến đấu của tôi. Mỗi lần trở về, thấy vùng đất này ngày thêm khởi sắc.

Đường 7 (nay là quốc lộ 25) đã được nâng cấp trải nhựa thênh thang. Đoạn chạy qua trung tâm thị xã Ayun Pa mang tên Trần Hưng Đạo được xây dựng đường một chiều rộng rãi, xe cộ đi lại tấp nập. Qua thị xã Ayun Pa, chúng tôi lần lượt đến cầu Sông Bờ, cầu Cây Sung rồi đèo Tô Na. Đoạn đường này khá tốt, màu xanh của cây trái cùng những thôn làng mới xen kẽ các cơ sở sản xuất kinh doanh hai bên đường đã xóa hết dấu vết của đạn bom; dòng sông Ba như dải lụa bạc song hành cùng đường 7, mùa này nước trong xanh hiền hòa, trên đôi bờ là bạt ngàn màu xanh của lúa, của bắp.

Tác giả thăm cầu Ea Nu (nay là cầu Sông Bờ). Ảnh: Hùng Tấn
Tác giả thăm cầu Ea Nu (nay là cầu Sông Bờ). Ảnh: Hùng Tấn


Tôi dừng chân thật lâu bên cầu Sông Bờ. Cây cầu này được người Pháp xây dựng khi mở đường 7 vào những năm đầu thế kỷ XX để nối đồng bằng duyên hải miền Trung với Tây Nguyên. Còn nhớ, tháng 3-1975, thời điểm Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho Thiếu tướng Phạm Văn Phú-Tư lệnh Quân đoàn 2 rút bỏ cao nguyên về đồng bằng duyên hải bằng đường 7 thì cây cầu mang tên Ea Nu. Chính trong cuộc rút chạy tán loạn năm ấy, các loại xe cơ giới hạng nặng của quân ngụy trong lúc chen chúc tranh nhau tháo chạy đã làm cầu sập, kéo theo nhiều xe và lính xuống sông… Sau năm 1975, cầu được đổi thành cầu Sông Bờ và từng bước được nâng cấp. Hiện cầu đã được xây mới kết cấu bê tông hiện đại. Mặt cầu phẳng lì, xe vận tải các loại ngược xuôi như con thoi.

Như bao cây cầu khác, cầu Sông Bờ ngày ngày nối những bờ vui. Nhưng nó là chứng tích chiến thắng lịch sử Đường 7-Sông Bờ tháng 3-1975 của quân và dân ta. Từ đầu cầu phía Đông nhìn theo đường 7 chạy về xuôi, đoạn này hơi vòng vèo lại bị cây xanh che khuất nên tầm nhìn hạn chế, nhưng tôi vẫn hình dung được nơi đã diễn ra trận đánh 45 năm trước với hàng trăm xe quân sự các loại của địch bị bộ đội ta tiêu diệt nằm ngổn ngang suốt 4 cây số từ đây đến cầu Cây Sung.

…Tôi vẫn nhớ, vào khoảng 5 giờ chiều 17-3-1975, Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn 16 súng máy cao xạ 12,7 mm của tôi cùng Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) đang tạm dừng ở khu vực Đạt Lý (phía Bắc thị xã Buôn Ma Thuột) sẵn sàng đánh địch đổ bộ tái chiếm Buôn Ma Thuột thì được thông báo: Quân khu 2 ngụy đang rút chạy khỏi Tây Nguyên trên đường 7 về đồng bằng và chúng đang bị Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 64) chặn lại ở thung lũng Cheo Reo. Ngay sau đó, chúng tôi được lệnh cùng Trung đoàn 64 cơ động gấp về Nam Cheo Reo để cùng các đơn vị trong Sư đoàn chặn diệt lực lượng địch tháo chạy.

Chúng tôi được xe ô tô của Hậu cần chiến dịch chở chạy ngược đường 14 đến một làng cũ của đồng bào bên phải đường thì xuống xe. Từ đây về Cheo Reo còn 30 cây số nữa. Theo đường rừng, chúng tôi chạy bộ suốt đêm, đến mờ sáng ngày 18-3 thì về đến nơi. Tại đây, các chiến sĩ Tiểu đoàn 9 từ trưa hôm qua đã đến kịp triển khai trận địa chốt chặn từ Đông cầu Ea Nu 2 km đến cầu Cây Sung và đã bắn cháy, bắn hỏng 15 xe tăng, xe bọc thép, diệt và bắt hơn 200 tên địch.

Tuy một bộ phận địch đã chạy thoát về hướng Đông, nhưng lực lượng cơ bản của địch đã phải chịu lùi lại Cheo Reo. Chúng tôi cùng các lực lượng vừa đến của Trung đoàn 64 nhanh chóng vào chiếm lĩnh trận địa, tiếp sức cùng Tiểu đoàn 9 lập thành tuyến chốt chặn hai bên đường số 7. Lúc này, tiếng xe cơ giới địch gầm rú mỗi lúc một gần, thỉnh thoảng, một loạt đạn 12,8 mm của địch bắn vu vơ nổ toác toác trên ngọn cây. Một lúc sau đã thấy đoàn xe địch từ hướng Cheo Reo ầm ầm chạy tới, vừa chạy chúng vừa bắn như vãi đạn sang hai bên đường.

Lệnh nổ súng phát ra, lập tức các loại hỏa lực ĐKZ, 12,7 mm, B40, B41… của ta từ hai bên bắn dữ dội vào đoàn xe địch. 5 chiếc xe tăng đi đầu trúng đạn bốc cháy nằm giữa đường. Ở phía sau, xe tăng, xe bọc thép địch vẫn liều chết mở hết tốc độ lao qua cầu Ea Nu. Do trọng tải có hạn không chịu nổi, cây cầu đã bị sập làm cho cả xe và lính rơi xuống sông. Vậy là, phía trước bị chặn, phía sau bị cắt, đoàn xe địch bị ùn ứ lại. Bộ đội ta liền xung phong chia cắt địch mà diệt. Trận đánh đến gần trưa mới kết thúc. Hàng trăm xác giặc cùng gần 100 xe tăng, thiết giáp, xe xích kéo pháo, ô tô vận tải các loại của địch nằm ngổn ngang trên đường, trong bìa rừng, ngoài bãi sông.  

Ngày hôm sau, cuộc chiến đấu của chúng tôi vẫn diễn ra quyết liệt. Do chiều hôm trước, Trung đoàn 48 đánh mạnh trong thị xã Cheo Reo, phần lớn quân địch hốt hoảng chạy vào rừng lẩn trốn. Sáng ra, chúng cứ nhằm hướng Đông mà chạy và đã húc bừa vào trận địa chốt của ta. Suốt buổi sáng, khắp các mũi các hướng trên tuyến chốt chặn của ta, chỗ nào cũng bắt được xe tăng xe bọc thép và tù binh địch. Hầu hết binh lính địch đã vứt bỏ vũ khí, trút bỏ quân phục. Tù binh đủ các sắc lính ngày một đông, đến nỗi, các đơn vị không còn đủ người để trông coi.

Vừa bắt tù binh và xe cơ giới địch, chúng tôi vừa tham gia cứu dân. Do bị địch tuyên truyền lừa phỉnh, hàng vạn người dân ở các thị xã Kon Tum, Pleiku ùn ùn chạy theo chúng; hàng trăm người trong đó có cả vợ con lính đã bị xe tăng, xe bọc thép của quân ngụy cán chết để mở đường tháo chạy. Nhưng thương tâm hơn cả là cảnh hàng ngàn người chạy tán loạn vào rừng để tránh bom rơi đạn lạc, họ lại bị đám tàn quân địch cướp bóc, buộc phải chạy tiếp vào rừng sâu.

Trước tình cảnh ấy, chúng tôi cứ mỗi tốp 3 người gùi nước vừa đi vừa gọi đồng bào. Nhiều nhóm chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em ẩn náu trong các lùm cây, người nào mặt mày cũng hốc hác bơ phờ. Đến chiều thì toàn đơn vị đã tìm và đưa bà con về ngồi chật cả một khúc suối cạn. Ở đây, bà con được bộ đội nấu cơm, nấu cháo cho ăn.

Ngay sau khi bàn giao cho chính quyền địa phương tổ chức đưa bà con về quê cũ, tối 19-3-1975, chúng tôi tiếp tục cùng Trung đoàn 64 lên xe truy kích địch chạy về hướng Phú Yên. Và chỉ 5 ngày sau, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, cùng sư đoàn tiêu diệt toàn bộ tập đoàn địch tháo chạy trên đường 7, góp phần kết thúc thắng lợi chiến dịch giải phóng Tây Nguyên…

Tác giả (ở giữa) thắp hương tưởng nhớ đồng đội tại Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại phường Sông Bờ năm 2012. Ảnh: Hùng Tấn
Tác giả (ở giữa) thắp hương tưởng nhớ đồng đội tại Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại phường Sông Bờ năm 2012. Ảnh: Hùng Tấn


Cũng vào dịp này 8 năm trước, tôi cùng một số đồng đội trở về thăm lại chiến trường xưa. Anh Phan Cự Hảo-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Ayun Pa, một đồng đội cũ cùng Sư đoàn 320-sau khi dẫn chúng tôi vào thắp hương tưởng nhớ các đồng đội hy sinh trong chiến dịch Đường 7-Sông Bờ tại Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở thị xã Ayun Pa, anh cùng chúng tôi đến cầu Sông Bờ. Tại đây, anh cho biết, năm 2001, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) đã có quyết định công nhận Chiến thắng Đường 7-Sông Bờ là di tích lịch sử cấp quốc gia. Ủy ban nhân dân thị xã Ayun Pa đã xác định, đề nghị và đã được tỉnh đồng ý vị trí xây dựng quần thể di tích ở khu vực này.

Chiến tranh đã lùi xa, thời gian đủ để có quần thể di tích tôn vinh một chiến thắng vang dội đã đi vào lịch sử của dân tộc. Việc xây dựng Khu di tích lịch sử Chiến thắng Đường 7-Sông Bờ là niềm mong mỏi của các cựu chiến binh tham gia trận đánh, cũng là nguyện vọng thiết tha và mong đợi của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh nói chung và thị xã Ayun Pa nói riêng.

Quần thể Di tích lịch sử Chiến thắng Đường 7-Sông Bờ được xây dựng sẽ không chỉ là động lực “kích cầu” mạnh mẽ cho vùng đất này đi lên cùng đất nước, là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, mà còn là hành động thiết thực tri ân những người đã ngã xuống cho vùng đất này và đất nước hôm nay. Mong sao, điều đó sớm trở thành hiện thực!
 

 HÙNG TẤN

Có thể bạn quan tâm