Điểm đến Gia Lai

Bên kia Bến Mộng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau khi tốt nghiệp đại học (năm 1985), tôi trở về Gia Lai-Kon Tum. Trước đó, tôi chỉ biết duy nhất con đường đất đỏ từ Nông trường Ia Blan, rồi xã B14 (huyện Chư Păh cũ) ra đến Pleiku.

Vì vậy, những năm đầu rời ghế nhà trường, đi công tác ở đâu, tôi cũng thấy lạ lẫm. Sau thời gian “bám càng” các anh chị làm việc lâu năm ở cơ quan, tôi đã xây dựng cho mình được một số “cơ sở” tại các buôn làng để có thể tự “bon” xuống bất cứ khi nào. Trong số đó, tôi đặc biệt mê vùng đất bên kia Bến Mộng (huyện Ayun Pa). Nơi đó, tôi có nhiều người bạn Jrai quý mến.

Cầu Bến Mộng (thị xã Ayun Pa). Ảnh: Văn Vũ

Cầu Bến Mộng (thị xã Ayun Pa). Ảnh: Văn Vũ

Bến Mộng vốn là một bến đò ngang, nằm ở phía dưới nơi gặp gỡ của sông Ayun và sông Ba khoảng vài trăm mét tại trung tâm huyện Ayun Pa ngày ấy. Trước năm 2001, do chưa có cầu Bến Mộng bắc qua, muốn sang bờ bên kia tại khúc sông này, chỉ có cách duy nhất là qua Bến Mộng. Trên Bến Mộng, đò chỉ hoạt động vào mùa nước lớn. Còn mùa khô, lòng sông cạn, nước trong veo, dòng sông hiền đến mức người ta có thể lội để sang phía bên kia.

Thập niên 80 của thế kỷ trước, đã đi công tác ở làng là phải tính bằng tuần. Mà ở lại thì không đơn thuần chỉ là vấn đề lo chỗ ngủ. Cái khó hơn nữa là làm sao để có chỗ ăn, bởi ngày đó, làm gì có quán, có hàng. Còn công tác phí thì hình như chỉ là một khái niệm... cho có. Có lẽ cũng vì thế mà những người từ phố xuống làng có nhiều bạn thân thiết, gắn bó thật sự.

Lần đầu tôi cùng một đồng nghiệp sang bên kia Bến Mộng là để đến buôn Broăi (lúc đó thuộc xã Ia Tul, huyện Ayun Pa), tìm gặp ông Siu Banh, vì được giới thiệu, ông là người cuối cùng còn nắm giữ những bí mật về một vấn đề mà tôi đang quan tâm.

Từ Pleiku xuống Ayun Pa bằng xe đò, chúng tôi được 1 cán bộ của Phòng Văn hóa-Thông tin huyện dẫn đường, lội sông sang bờ bên kia rồi tiếp tục đi bộ khoảng 3 km để vào làng. Hôm đó, chúng tôi đến nơi thì trời đã chạng vạng. Tôi có cảm giác như nơi vừa rời đi-bờ Nam Bến Mộng, với nơi chúng tôi đến là 2 thế giới hoàn toàn trái ngược. Một bên (bờ Nam) là thị trấn Ayun Pa nhộn nhịp, còn nơi chúng tôi đến, bờ Bắc sông là một vùng xa xôi, chìm trong bóng đêm. Những con đường dọc ngang buôn Broăi thì bụi bặm, vương vãi đầy phân bò.

Chúng tôi được dẫn vào một ngôi nhà sàn lớn. Ngôi nhà này như cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Sau này, tôi mới biết đây là ngôi nhà sàn khang trang nhất làng. Cán bộ Phòng Văn hóa-Thông tin giới thiệu chúng tôi với chủ nhà là amí Thúy (con gái ông Siu Banh, sau này tôi hay gọi là cô mí Thúy). Lúc đó, cô khoảng trên 40 tuổi. Trong nhà còn có mẹ cô (vợ ông Siu Banh), chồng cô (một giáo viên dạy học tại xã) cùng con gái cô (chị Thúy, y tá) và một cậu con trai của cô. Nhân chứng của tôi (ông Siu Banh) lúc đó đã nằm liệt trên một tấm nệm trải bên bếp lửa. Suốt gần 1 tuần, tôi ở lại đây, câu chuyện giữa tôi và ông được amí Thúy và chị Thúy phiên dịch.

Ngay từ lần đến đầu tiên ấy, tôi đã cảm thấy gia đình này là nơi đáng tin cậy. Tất cả những người trong gia đình ông Siu Banh và một số người trong làng, xã như anh Rcom Muych (cán bộ văn phòng UBND xã) cùng vợ anh là giáo viên, em Ksor Vinh (lúc ấy là cán bộ xã, sau này là Phó Bí thư thị xã Ayun Pa)… và nhiều người Jrai khác đã là bạn của tôi, là những người giúp đỡ tôi rất nhiều, rất nhiệt tình.

Tôi nhớ, có lần dịch cho tôi câu chuyện nói về nạn hạn hán ở Cheo Reo, có một từ mà anh Rcom Muych băn khoăn mãi. Sau khi vò đầu, bứt tai và trao đổi với những người ngồi xung quanh, anh quay sang nói với tôi: “À, là người ta không có gì ăn, phải lấy cái mục cây chấm mật ong”! Tôi chau mày suy nghĩ rồi hỏi lại: “Cây mục à?”. Thế là, tất cả phá lên cười.

Sau lần đầu tiên này, tôi không còn nhớ được là mình đã vào ra ngôi nhà của amí Thúy và những ngôi làng bên kia Bến Mộng bao nhiêu lần. Bởi vùng đất dưới chân Chư Mố này đối với tôi có sự mê hoặc đến lạ kỳ. Nó như một quyển sách mà tôi cứ đọc hết trang này thì lại thấy điều hay hơn còn ở trang sau.

Ở bên ấy, tôi đã tìm thấy già làng Rơ Ô Anhranh (ama Anhang, buôn Blanh), người đã giải thích cho tôi một cách khá rạch ròi về nguồn gốc của con người và muôn loài theo quan niệm của người Jrai mà trước đó chưa một tài liệu nào nói đến.

Và ở bên ấy, tôi đã được ông Nay Nang (buôn Jứ Ma Uôk) giải thích cho nghe một cách rõ ràng rằng, trong quan niệm của người Jrai vùng Cheo Reo, Yàng Sang (thần nhà) không chỉ có một vị, mà là một hệ thống thần linh. Từ quan niệm này, nên khi làm nhà, người Jrai thực hiện nhiều nghi lễ, ở những công đoạn khác nhau để tạ ơn/xin phép các thần linh.

Bên kia Bến Mộng, “cơ sở ruột” của tôi ở là gia đình amí Thúy. Đây là nơi tôi bất cứ lúc nào tôi đến cũng được tiếp đón rất thân tình. Rồi từ đó, tôi xuôi ngược các làng ở bờ Bắc sông để được bà con kể cho nghe những điều thú vị. Sau này, khi có xe máy, tôi thường đi một mạch từ Pleiku xuống Ayun Pa, vào Phòng Văn hóa-Thông tin gửi xe chỗ anh Nghị, anh Chương, anh Chính… để lội bộ hoặc lên đò sang sông.

Khi tôi viết những dòng này, nhiều người trong số tôi nhắc tên đã về với tổ tiên. Nhưng trong tôi, họ luôn là những người mà tôi thương nhớ và mãi biết ơn.

Có thể bạn quan tâm