Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Bềnh bồng ươi bay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi ghé thăm Kbang một ngày rực nắng. Nắng tháng 5 nhẹ nhàng thả ngày xanh trên mọi nẻo uốn lượn, xuyên qua bóng râm mát rượi của tán cây lá đỏ bên đường. Lòng rạo rực tự vấn: Những bồng bềnh, dịu vời, xa xăm bỗng chốc theo gió mà bay bay, mà rụng rơi kia có điều gì đó hấp dẫn, diệu kỳ đến thế?
Ươi bay, một hiện tượng tự nhiên mà tôi mê đắm khi được khám phá cánh rừng nguyên sinh ở xã Sơn Lang. Quả ươi rụng kèm theo chiếc lá đài giống như cái dù khi gặp gió bay ra xa nên gọi là ươi bay. Các loại cây trái khác ít nhất mỗi năm sẽ có một mùa, nhưng quả ươi bay 4 năm mới có một vụ. Song lớp trước, lớp sau thay phiên nhau nên năm nào cũng có trái là thế. Ươi bay, người đứng dưới chỉ việc đi nhặt.
Điện thoại bắt đầu mất sóng, tôi thấy mình tách hẳn với lo toan nơi phố thị. Trở về với bản ngã thiên nhiên cùng sự tĩnh lặng từ bên trong tâm hồn. Tôi nghỉ chân, ngồi dưới tán lá cây tận hưởng sự trong lành, khoáng đạt và bắt đầu hành trình “săn” ươi bay. Cả một rừng ươi rùng ràng buông mình loay xoay, lã chã, ẩn hiện lòa nhòa trong khói nắng. Có quả đùa bỡn múa may chẳng sợ hãi ngần ngại rụt rè mà chạm vào ngọn cỏ xanh mềm mượt, vào bông hoa, vào mặt đất. Có quả chao qua chao lại rồi ngó nghiêng khe khẽ cười trong nắng sớm. Có quả vương vít với cành tiếc nuối tháng ngày xanh trẻ nên chẳng chịu buông lìa. Quả nối quả, ngày nối ngày, mùa nối mùa cứ thế la đà đùa vui với gió, cứ thế tự tại sống đời thảo mộc.
Hạt ươi. Ảnh: K.N.B
Hạt ươi. Ảnh: K.N.B
Sáng mùa hè, nắng man mác hiền hòa đủ để tôi và anh Blới-một người bạn dẫn đường ở làng Hà Nừng, người đã sống trọn đời với rừng có thể chuyện trò thoải mái dưới những tán cây mát rượi. Chỉ thế thôi đã thấy xa xanh vô cùng, như thể tôi đang chạm tới những tít tắp rợn ngợp bao la kia. Theo hướng ánh nắng chiếu qua tay bạn, nhìn thấy cây nào mọc cao nhất trong rừng, lá màu nâu tím, tán đỏ thì ấy là cây ươi. Anh Blới còn đoán được hướng ươi bay.
Về miền ươi bay nghe anh Blới kể chuyện. Mỗi mùa ươi bay, nhiều cây già chẳng còn nữa, chỉ còn gốc cây trơ trọi, nhựa bám quanh thân đặc quánh sau khi nhận một vết chặt ngang sắc lẹm. Giờ đây, những vạt ươi lùi tít vào rừng sâu, cảnh ươi bay không còn phổ biến vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa cao nguyên nữa. Nếu không bảo vệ rừng, trong tương lai, cây ươi sẽ ngày càng cạn kiệt. Nghĩ đến thế thôi, cả 2 chúng tôi đều lặng im rồi ngước nhìn lên màu rừng thấy đỏ như ráng pha… Nhìn sang một cây ươi non vừa lên quá đầu người, lá còn đang chia thùy mà nghĩ đến chuyện cả chục năm nữa cây mới cho quả. Lúc đó chắc gì tôi có cơ hội được chiêm ngưỡng những vạt rừng lấp lánh cánh ươi bay.
Chờ thôi, chờ tới lúc những cơn mưa đầu tiên rơi xuống, làm mềm đất đai, “tấm áo” bao quanh chùm quả mới bung ra, để những hạt ươi bay nhẹ đáp xuống mặt đất. Những hạt nâu nâu ấy gặp đất ẩm, gặp điều kiện thuận lợi sẽ nảy mầm, bung chồi và cả thập kỷ sau sẽ tiếp tục có thêm những mùa ươi bay. Tôi đưa tay tìm nhặt một quả ươi còn nguyên chiếc lá đài với hy vọng sẽ có nhiều cây ươi theo vòng tuần hoàn được tái sinh. Khi ấy, mùa ươi bay bềnh bồng, bềnh bồng…
NGUYỄN THỊ DIỄM

Có thể bạn quan tâm