(GLO)- Nhiều vụ chó cắn gây thương vong tại các tỉnh, thành trên cả nước thời gian qua khiến người dân không khỏi bất an. Tại Gia Lai, trong năm 2018, cả tỉnh ghi nhận 6 trường hợp tử vong do bệnh dại. Riêng trong 4 tháng đầu năm nay, đã có 2 trường hợp tử vong do bệnh dại, đáng chú ý là cả 2 trường hợp đều không tiêm phòng sau khi bị chó cắn.
Hiểm họa từ chó thả rông
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, trong 4 tháng đầu năm nay, Trung tâm đã tiếp nhận gần 1.300 người đến tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại do bị súc vật cào, cắn. Trong số này, phổ biến là bị chó cắn với 781 trường hợp; 146 trường hợp do mèo cào, cắn, còn lại do súc vật khác. Nhiều người bị vết thương độ II, III…
Chở con đến tiêm vắc xin phòng bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, anh Nguyễn Văn Dũng (tổ 2, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) cho hay: “Con tôi bị chó thả rông ngoài đường cắn đã 2 ngày nay nhưng cháu giấu không cho cha mẹ biết vì sợ bị mắng. Trong lúc ăn cơm, mẹ cháu vô tình phát hiện chân cháu có vết thương nên gặng hỏi thì mới biết. Hôm nay, tôi chở cháu xuống đây để tiêm phòng”. Bà Lê Thị Thanh (phường Thống Nhất, TP. Pleiku) cũng cho hay: “Cháu ngoại tôi qua nhà hàng xóm chơi, sơ ý giẫm vào đuôi chó nên bị cắn vào tay. Do chó nhà hàng xóm chưa có tiêm phòng vắc xin dại nên tôi chở cháu đến đây tiêm phòng cho an toàn”.
Khi bị chó, mèo cắn cần đến ngay Trung tâm Y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Ảnh: N.N |
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, bệnh dại do virus dại Rhabdovirus gây nên, thường lây từ nước bọt của động vật bị dại thông qua vết cắn. Bệnh dại rất nguy hiểm, tất cả các trường hợp lên cơn dại đều tử vong. Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Khi bị chó, mèo, súc vật cắn cần đến ngay Trung tâm Y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.
Chủ động phòng-chống bệnh dại
Nhằm tăng cường công tác phòng-chống bệnh dại động vật trên địa bàn tỉnh, ngày 24-4 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên đã ký Công văn số 871/UBND-NL yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc Chương trình khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021 và các văn bản chỉ đạo có liên quan khác của Trung ương và tỉnh.
Trong đó, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến kiến thức về phòng-chống bệnh dại trên động vật theo quy định, kịp thời tham mưu các giải pháp chỉ đạo xử lý khi có dịch xảy ra. Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vắc xin dại được quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức đợt tiêm phòng vắc xin dại cho động vật...
Ông Dương Ngọc Thanh-Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh-thông tin: Theo kế hoạch phòng-chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2019 đã được UBND tỉnh phê duyệt, đối với đàn chó, năm 2019 triển khai tiêm vắc xin dại chó Rabisin cho 13.780 con (khoảng 10% so với tổng đàn chó của tỉnh). Đối với các loại động vật chưa được tiêm phòng theo chương trình của tỉnh, Chi cục có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp với UBND cấp huyện, chỉ đạo UBND cấp xã tuyên truyền vận động các hộ nuôi chủ động mua vắc xin và tiêm phòng cho đàn chó, mèo...
Theo ông Thanh, ước tính toàn tỉnh có gần 200.000 con chó, mèo nuôi tại các gia đình. Tuy nhiên, đại bộ phận người dân chưa thực hiện các quy định như: nuôi chó phải đăng ký với chính quyền địa phương, khi chó có biểu hiện bất thường phải báo cáo với cơ quan thú y; chưa quan tâm đến công tác phòng-chống bệnh cho vật nuôi; thiếu sự quản lý, giám sát; còn thói quen thả rông... Bên cạnh đó, một bộ phận người dân chủ quan khi bị chó, mèo cắn không đi tiêm phòng dẫn đến tử vong. “Để phòng-chống bệnh dại hiệu quả cần có sự chung tay của các cấp, ngành, đoàn thể, trong đó quan trọng nhất là sự phối hợp của người dân trong công tác này. Các gia đình khi nuôi chó, mèo cần tuân thủ các quy định; chấp hành việc nuôi giữ chó trong khuôn viên gia đình, thực hiện xích, nhốt; không thả rông chó, mèo. Khi ra nơi công cộng cần rọ mõm cho chó nuôi, có dây dắt; chủ động tiêm phòng vắc xin dại hàng năm cho vật nuôi tại các cơ sở có giấy phép hành nghề thú y”-ông Thanh nói.
NHƯ NGUYỆN