Xã hội

Đời sống

Bệnh... đổ thừa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không khó để bắt gặp căn bệnh... đổ thừa này trong cuộc sống thường nhật. Theo các chuyên gia tâm lý, đây là căn bệnh cố hữu, tồn tại trong mỗi con người và có thể bộc phát bất cứ lúc nào nếu ta không làm chủ được cảm xúc hoặc nhận diện chưa đúng bản chất sự việc.

Cuối tuần vừa rồi, tôi đưa con gái đến một khu vui chơi trên đường Nguyễn Tất Thành (TP. Pleiku). Vừa mua vé vào cổng, 2 mẹ con liền bị thu hút bởi tiếng khóc thét của một bé trai chừng 3 tuổi. Theo quan sát của chúng tôi, trước đó, em bé đang chơi thì bỗng dưng chạy lại giật mạnh quả bóng trên tay một trẻ khác. Kết quả, không những không lấy được đồ chơi mà cậu bé còn bị ngã ra sàn rồi khóc lớn. Người mẹ ngồi cạnh đó vội vàng chạy lại đỡ cậu bé dậy, lau nước mắt dỗ dành con, sau đó vờ đánh đứa trẻ cầm bóng, nói: “Anh hư quá, chẳng nhường bóng cho em. Anh làm em ngã nè! Đánh anh hư nè!”.

Chứng kiến sự việc, con gái tôi liền thắc mắc: “Mẹ ơi, con thấy em bé mới là người có lỗi chứ đâu phải anh kia. Sao cô ấy lại đánh và đổ lỗi tại anh hả mẹ?”. Lúc đó, tôi chỉ biết giải thích để con hiểu rằng, mẹ em bé chỉ giả vờ làm vậy để em bé không khóc nữa chứ không phải thật sự trách lỗi anh kia, chỉ là cách cô ấy làm vậy là chưa hợp lý lắm.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet).

Ảnh minh họa (nguồn: Internet).

Ở quê tôi, việc các bà, các mẹ dỗ dành một đứa trẻ nếu chẳng may bị ngã bằng cách “đánh vờ”, “đổ lỗi” cho người khác hay đồ vật diễn ra khá phổ biến và được xem là chuyện rất đỗi bình thường. Vô hình trung, lối ứng xử này đã dần hình thành trong đầu những đứa trẻ non nớt một ý thức xấu về chuyện đổ lỗi, trốn tránh trách nhiệm khi nói về sai lầm của bản thân. Không những thế, đôi khi, sự việc còn khiến người bị đổ thừa rơi vào trạng thái “dở khóc, dở cười”.

Đơn cử, tôi cũng từng là nạn nhân của căn bệnh đổ thừa này khi còn nhỏ. Năm ấy, trong một lần chạy chơi cùng tôi ở sân trường, vì thiếu quan sát nên người bạn cùng lớp bị va mặt vào thân cây me tây khiến một bên má đỏ ửng. Để không bị mẹ rầy la, bạn liền đổ lỗi rằng tôi đánh bạn. Chưa kịp giải thích, tôi đã bị mẹ bạn quát mắng là một đứa trẻ hư, rồi cứ thế cho tôi một cái tát oan. Tôi chỉ còn biết khóc. Kể từ đó, tôi cũng không dám chơi với người bạn này nữa cho đến khi nỗi oan của mình được bạn ấy tự hóa giải với gia đình.

Ngày nay, nhiều người vẫn thường mắc bệnh... đổ thừa này. Giới trẻ cũng không ngoại lệ. Khi gặp một vấn đề gì đó không suôn sẻ, họ đổ cho số phận. Khi làm việc chưa tốt, họ đổ lỗi cho hoàn cảnh, vì điều kiện công tác hoặc do cộng sự thiếu nhiệt tình. Khi thất bại, họ lại cho rằng bản thân kém may mắn chứ không nhìn nhận xem mình đã thật sự cố gắng hết khả năng hay chưa…

Tôi có một người bạn thời đại học, thành tích học tập được xếp vào hàng khá, giỏi. Thế nhưng, ra trường, bạn lại bao phen lận đận khi đi xin việc, thậm chí nhiều lần phải nhảy việc. Điểm yếu của bạn được một số đồng nghiệp chỉ ra là thiếu quyết đoán, thiếu trách nhiệm và đặc biệt, bạn mắc bệnh... đổ thừa. Khi không thể hoàn thành công việc, bạn đưa ra đủ lý do để trình bày với lãnh đạo công ty, song chưa bao giờ được chấp nhận. Có lần, bạn vừa khóc vừa tâm sự với tôi, lý do bạn xin nghỉ việc là do sếp bạn quá nguyên tắc, cứng nhắc. Cho rằng bản thân bị o ép nên bạn xin thôi việc, song chưa bao giờ bạn chịu tự suy ngẫm lại sự khiếm khuyết của chính mình.

Trong chúng ta, chắc hẳn không ít người cũng đã từng tìm lý do đổ lỗi cho người khác hoặc cho hoàn cảnh khi gặp chuyện xảy ra không như ý muốn. Thiết nghĩ, nếu đã quen nhìn cuộc sống qua lăng kính của những từ “tại”, “do”, “bởi”…, thì đã đến lúc, chúng ta phải tự thay đổi bản thân để sống có trách nhiệm hơn. Không phải tự nhiên mà người xưa có câu “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Bởi, đó chính là nền tảng để mỗi người hoàn thiện bản thân, không ngừng phát triển cả về tư duy lẫn nhân cách để gặt hái được nhiều thành công xứng đáng.

Có thể bạn quan tâm