Bạn đọc

Bệnh nhân tử vong vì nhân viên y tế tắc trách?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đã gần 3 tháng trôi qua kể từ khi chồng mất nhưng bà Nguyễn Thị Thanh ở tại 116 Nguyễn Trãi, thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông chưa có một ngày ngủ yên bởi lẽ theo bà thì ngoài nỗi đau mất người thân không gì có thể bù đắp được, thì việc chồng bà là ông Võ Văn Bình phải chết oan ức do sự tắc trách của nhân viên Trung tâm Y tế huyện Chư Prông càng khiến nỗi đau của gia đình bà nhân lên gấp bội lần. Để làm rõ nỗi oan ức này, bà Thanh đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng, nhưng đến nay gia đình bà vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Trình bày sự việc với phóng viên ngày 29-11, bà Thanh đau xót kể lại: Bố chồng tôi là liệt sĩ, còn chồng tôi Võ Văn Bình (SN 1955), là thương binh hạng 2/4. Mấy năm nay chồng tôi bị bệnh hen phế quản mãn tính, cứ mỗi lần lên cơn khó thở ông lại bảo tôi lấy xe máy chở đến Trung tâm Y tế huyện Chư Prông để thở ôxy và điều trị vài ngày, chồng tôi lại khỏe bình thường. Lần này chồng tôi cũng lên cơn như những lần trước, tôi chở ổng bằng xe máy sang Trung tâm Y tế huyện Chư Prông vào lúc 1 giờ sáng 11-9-2011.

Bà Thanh và con trình bày lại sự việc với phóng viên. Ảnh: Như Nguyện
Bà Thanh và con trình bày lại sự việc với phóng viên. Ảnh: Như Nguyện
Lúc đó, Trung tâm mất điện, không có bác sĩ trực. Tôi kêu cứu mãi, một lúc sau mới thấy một cô y tá tên Thanh đi ra (thật ra là điều dưỡng Vũ Thị Thanh- N.V). Tôi có bảo cho chồng tôi thở ôxy nhưng cô Thanh không cho mà bỏ đi vào phòng trực. Chồng tôi có với tay tự bật bình ôxy màu trắng hình vuông để cạnh đầu giường nhưng bình đó không có ôxy. Tức quá, chồng tôi lấy tay đập mạnh mấy cái vào bình và giục tôi chạy vào kêu nhân viên y tế lần nữa. Tôi chạy đi gọi nhân viên y tế, lúc này tôi mới thấy y sĩ Nguyễn Thị Lân trong phòng đi ra cùng cô Thanh. Tôi có cầu xin hai cô cho chồng tôi thở ôxy nhưng hai cô không cho mà chỉ bảo tôi sao không dìu anh ấy lên giường mà để đứng mãi thế.


Lúc đó, tôi có nhờ một người nằm giường bên cạnh cùng dìu chồng tôi lên giường còn cô Thanh và cô Lân thì bỏ ra ngoài hành lang đứng gọi điện thoại mãi mà không vào cấp cứu cho chồng tôi. Thời gian chờ đợi lâu, chồng tôi đã tắt thở. Khi chồng tôi tắt thở rồi, hai cô mới tiêm cho chồng tôi một mũi thuốc gì đó tôi không rõ...

Trước cái chết oan ức của chồng, ngày 19-9-2011, bà Thanh có làm đơn gửi Huyện ủy, UBND huyện Chư Prông. Trong yêu cầu giải quyết đơn khiếu nại của công dân do ông Bùi Viết Hội- Chủ tịch UBND huyện Chư Prông ký ngày 23-9-2011, UBND huyện yêu cầu Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Prông kiểm tra vụ việc theo nội dung đơn khiếu nại của công dân để giải quyết theo quy định của pháp luật, đồng thời trả lời bằng văn bản cho công dân được rõ. Thời hạn giải quyết trong vòng 30 ngày, kể từ ngày 29-9-2011. Trong buổi làm việc với phóng viên ngày 29-11 vừa qua, ông Nguyễn Anh Dũng- Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông cũng khẳng định: Quan điểm của huyện thì sai đến đâu xử lý đến đó, không bao che cho những ai có sai phạm. Công an huyện hiện đang điều tra làm rõ vụ việc nhưng chưa có kết quả cụ thể…

Ủy ban Nhân dân huyện đã chỉ đạo rõ như vậy nhưng theo phản ánh của bà Thanh thì đến ngày 29-11-2011 (tức là quá thời hạn mà UBND huyện chỉ đạo) nhưng gia đình bà vẫn chưa nhận được văn bản trả lời của Trung tâm Y tế huyện Chư Prông.

Để làm rõ vấn đề, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Võ Hoài Long- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Prông. Khi phóng viên hỏi ông Long về việc UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Chư Prông phải trả lời bằng văn bản cho công dân rõ trong vòng 30 ngày kể từ ngày 29-9-2011 nhưng đến ngày 29-11-2011 (tức là đã quá hạn 1 tháng) nhưng Trung tâm lại không chấp hành đúng như chỉ đạo của cấp trên thì ông Long nói sẽ kiểm tra lại việc này.

Đánh giá về kíp trực đêm 10-9-2011 rạng sáng 11-9-2011, ông Long khẳng định: Kíp trực hôm đó gồm có ông trực lãnh đạo, y sĩ Nguyễn Thị Lân, điều dưỡng Vũ Thị Thanh đã có mặt đúng ngay tại vị trí. Bệnh nhân gọi là dậy kịp thời, tổ trực xử lý cấp cứu đúng phương pháp, đúng quy trình, không sai. Ông Long khẳng định bệnh nhân Võ Văn Bình đã có biểu hiện chết lâm sàng trước khi vào viện.

Về việc đêm 10-9-2011 rạng sáng 11-9-2011, Trung tâm mất điện nhưng tại sao lại không cho máy nổ hoạt động đến khi có bệnh nhân cấp cứu và tử vong thì mới cho giật máy nổ phát điện (tiếc là lúc này máy lại trục trặc, không hoạt động được) thì ông Long lại nói rằng: Bệnh viện đã có khắc phục nhưng chẳng hiểu sao lúc đó máy nổ lại không hoạt động?!

Vụ việc đến nay vẫn chưa ngã ngũ vì vẫn còn đang chờ kết luận chính thức từ Cơ quan điều tra. Trong khi Trung tâm Y tế huyện Chư Prông  khẳng định làm đúng quy trình cấp cứu thì gia đình bà Nguyễn Thị Thanh lại khẳng định chồng mình- ông Võ Văn Bình đã bị chết oan do sự tắc trách của nhân viên y tế của Trung tâm.

Bà Thanh bức xúc nếu Trung tâm đúng sao không gửi văn bản trả lời cho gia đình bà được rõ? Hôm đó cúp điện tại sao Trung tâm lại không cho nổ máy phát điện dự phòng? Trung tâm khẳng định chồng bà chết lâm sàng trước khi vào viện nhưng theo nhân chứng Võ Minh Lắm- trú tại thôn Đoàn Kết, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông, người phụ bà Thanh dìu ông Bình lên giường và ký tên trong biên bản làm chứng thì: “Tôi thấy một bệnh nhân (ông Bình- N.V) vào cấp cứu nhưng đi không vững nên tôi đã cùng người nhà dìu vào trong giường bệnh. Sau đó bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời vì lý do mất điện nên bệnh nhân đã chết là đúng”.

Như vậy việc ông Bình có chết lâm sàng trước khi đến bệnh viện hay không? Việc cái chết của ông có phải là do sự tắc trách của nhân viên Trung tâm Y tế huyện Chư Prông  hay không rất cần được điều tra làm rõ.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm