Sức khỏe

Bệnh viện Đa khoa Gia Lai can thiệp tim mạch cứu sống bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Bà Siu H’Phat (61 tuổi, ở Plei Hlôp, xã Chư Don, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) nhập viện ngày 9-4 do nhồi máu cơ tim cấp, nguy cơ tử vong cao. Nhờ các bác sĩ Khoa Tim mạch-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai kịp thời triển khai can thiệp tim mạch, đặt Stent động mạch vành mà bà Siu H’Phat đã vượt qua cửa tử, ổn định sức khỏe trong niềm vui của gia đình.

Ca can thiệp tim mạch thành công trên không chỉ đem lại niềm vui cho gia đình bệnh nhân mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với tập thể y, bác sĩ Khoa Tim mạch nói riêng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói chung. Đó không chỉ là niềm vui của người thầy thuốc khi cứu sống người bệnh mà còn khẳng định sự trưởng thành về chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ Khoa Tim mạch sau thời gian dài học tập các bệnh viện tuyến trên. Đây là lần đầu tiên đội ngũ y, bác sĩ Khoa Tim mạch thực hiện thành công đặt Stent động mạch vành cho bệnh nhân mà không có sự hỗ trợ trực tiếp của các chuyên gia từ bệnh viện tuyến trên.

Bác sĩ CKI Hà Quang Luân-Phó Trưởng khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh)-người điều trị ca bệnh cho biết: Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, sốc, choáng tim, không có huyết áp, nhịp tim bị rối loạn, đau ngực 4 giờ đồng hồ mới vô viện. Trường hợp này chuyển tuyến trên không khả thi vì tình trạng bệnh nhân rất nặng, có thể tử vong đột ngột giữa đường. Bên cạnh đó, gia đình là hộ nghèo, không có điều kiện chuyển tuyến. “Đây là một ca nhồi máu cơ tim cấp, cơ hội sống của bệnh nhân rất thấp. Trong khi đó thời gian vàng để các bác sĩ thực hiện các kĩ thuật can thiệp không còn nhiều”- bác sĩ Luân thông tin.

Bác sĩ Hà Quang Luân thăm khám cho bệnh nhân Siu H’Phat sau can thiệp tim mạch. Ảnh: Như Nguyện
Bác sĩ Hà Quang Luân thăm khám cho bệnh nhân Siu H’Phat sau can thiệp tim mạch. Ảnh: Như Nguyện

Trước tình trạng khẩn cấp trên, các bác sĩ Khoa Tim mạch đã xin ý kiến và được sự đồng ý của Ban Giám đốc đã tiến hành chụp mạch cho bệnh nhân bằng hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) và triển khai can thiệp tim mạch, đặt 1 Stent động mạch vành. Ca phẫu thuật hoàn toàn miễn phí cho bệnh nhân. “Trung bình một ca can thiệp như trên không có bảo hiểm y tế là khoảng 90 triệu đồng, trường hợp có bảo hiểm y tế và là hộ nghèo như bệnh nhân cũng phải chi trả 15 đến 20 triệu đồng. Ca phẫu thuật đã được tiến hành thuận lợi, thành công tốt đẹp. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định hơn và đang hồi phục”- bác sĩ Luân cho biết.

Chị Siu Hen- con gái bệnh nhân xúc động nói: Lúc mới vào viện, tình trạng mẹ tôi rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Gia đình cũng đã chuẩn bị tâm lý với điều xấu nhất. May mắn được các bác sĩ tận tình cứu chữa giúp mẹ tôi thoát khỏi nguy hiểm, chi phí phẫu thuật được miễn hoàn toàn, gia đình tôi hết sức biết ơn.

Theo bác sĩ CKII Trần Kế Toán-Trưởng khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa Gia Lai), đối với bệnh nhân Siu H’Phat, các biện pháp cấp cứu bằng thuốc không giải quyết được, chỉ có cách là tái thông mạch vành thì mới cứu sống bệnh nhân. Với sự cố gắng kết hợp với việc đã được đào tạo về chuyên môn nhiều năm qua, các y, bác sĩ đã thực hiện đặt Stent thành công. “Cả ekip, Ban Giám đốc hết sức vui mừng, lần đầu tiên ekip tự mình triển khai can thiệp tim mạch tại chỗ kịp thời, cứu sống tính mạng người bệnh, qua đó giúp chúng tôi thêm tự tin và là tiền đề để tiếp tục triển khai thêm nhiều kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong lĩnh vực tim mạch nói riêng, các lĩnh vực khác nói chung cho người dân Gia Lai và các tỉnh lân cận trong thời gian tới”- bác sĩ Toán cho hay.

Ekip thực hiện can thiệp tim mạch cho bệnh nhân Siu H’Phat vui mừng sau khi thực hiện phẫu thuật thành công cứu sống tính mạng người bệnh. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Ekip thực hiện can thiệp tim mạch cho bệnh nhân Siu H’Phat vui mừng sau khi thực hiện phẫu thuật thành công cứu sống tính mạng người bệnh. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Một trong những bước đệm quan trọng để triển khai thực hiện can thiệp tim mạch tại tỉnh là đưa hệ thống máy DSA hiện đại vào hoạt động từ tháng 12-2022. Qua đó triển khai kỹ thuật chụp và đặt stent động mạch vành ngay tại tỉnh giúp cấp cứu bệnh nhân tim mạch trong giai đoạn “giờ vàng” góp phần cứu sống tính mạng người bệnh. “Trung bình 1 tháng có khoảng 30 bệnh nhân cần can thiệp tim mạch tại tỉnh. Thuận lợi là có máy móc nhưng khó khăn hiện nay là thiếu vật tư nên chưa thể đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân”- bác sĩ Toán bộc bạch.

Có thể bạn quan tâm