Sức khỏe

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai: Ứng dụng nghiên cứu khoa học trong điều trị bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Hội nghị khoa học cấp cơ sở do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai tổ chức hàng năm không chỉ là dịp đánh giá kết quả tìm tòi sáng tạo của đội ngũ bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng viên...

Hội nghị khoa học còn là diễn đàn trao đổi thông tin, kinh nghiệm, cập nhật và ứng dụng các kiến thức về chẩn đoán, điều trị bệnh, áp dụng những kỹ thuật mới vào thực hành lâm sàng, góp phần nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh.

Tại hội nghị khoa học cấp cơ sở năm 2023 diễn ra ngày 21-12 vừa qua, các tác giả, nhóm tác giả đã trình bày 36 đề tài nghiên cứu khoa học và sáng kiến cải tiến trong công tác khám-chữa bệnh. Qua nghiệm thu, đánh giá, hội đồng chuyên môn thống nhất 19 đề tài xếp loại A, 17 đề tài loại B.

Từ tháng 12-2022 đến tháng 10-2023, có 90 bệnh nhân được chỉ định chụp động mạch vành qua da tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: N.N

Từ tháng 12-2022 đến tháng 10-2023, có 90 bệnh nhân được chỉ định chụp động mạch vành qua da tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: N.N

Đề tài “Nghiên cứu các yếu tố trước viện ảnh hưởng đến thời gian nhập viện ở bệnh nhân nhồi máu não cấp” do Tiến sĩ Nguyễn Thành Công-Trưởng khoa Lão và các cộng sự thực hiện là một trong những đề tài được đánh giá cao và đạt loại A.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Công cho biết: Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế và tử vong. Ở bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não, liệu pháp tiêu sợi huyết cũng như lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học được chứng minh cải thiện kết cục ở nhóm bệnh nhân này.

Liệu pháp điều trị này đòi hỏi bệnh nhân phải vào viện trong khoảng “thời gian vàng”. Tuy nhiên, một số nghiên cứu trong nước cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết hoặc lấy huyết khối bằng dụng cụ còn thấp.

Theo Tiến sĩ Công, qua thực tiễn điều trị tại Khoa Lão từ tháng 5-2023 đến tháng 10-2023, tỷ lệ bệnh nhân nhồi máu não được dùng thuốc tiêu sợi huyết chỉ chiếm 5,8%. Tỷ lệ này thấp là do thời gian từ khi đột quỵ khởi phát đến nhập viện chậm.

“Thời gian từ khi đột quỵ khởi phát đến nhập viện là một rào cản lớn cho các liệu pháp tưới máu ở bệnh nhân nhồi máu não cấp, ảnh hưởng đến cấp cứu và điều trị, là nguyên nhân làm cho quá trình điều trị kéo dài.

Chính vì vậy, chúng tôi nghiên cứu đề tài với mục tiêu xác định thời gian từ khởi phát đến nhập viện ở bệnh nhân nhồi máu não cấp, phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến thời gian nhập viện ở bệnh nhân nhồi máu não cấp để từ đó có các khuyến cáo thích hợp”-bác sĩ Công cho biết.

Đề tài “Kết quả bước đầu chụp động mạch vành qua da tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ tháng 12-2022 đến tháng 10-2023” được các bác sĩ Khoa Tim mạch dành nhiều tâm huyết. Đề tài được hội đồng chuyên môn xếp loại A.

Bác sĩ Trịnh Xuân Hinh-Chủ nhiệm đề tài-chia sẻ: Hiện nay, bệnh tim mạch đã trở thành bệnh lý gây tử vong số 1 trên thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm ước tính có tới 17,5 triệu người tử vong do bệnh tim mạch, chủ yếu là các bệnh tim mạch do xơ vữa.

Bệnh động mạch vành chiếm tới 14% tử vong toàn cầu và là nguyên nhân chính làm giảm số năm sống còn và số năm sống trong bệnh tật. Tại Việt Nam, bệnh động mạch vành cũng là nguyên nhân tử vong hàng đầu. Theo báo cáo của WHO, Việt Nam có 31% trường hợp tử vong do bệnh lý tim mạch, trong đó, hơn một nửa là do bệnh lý động mạch vành.

Theo bác sĩ Hinh, chụp động mạch vành qua da cho đến nay là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán và đánh giá tổn thương động mạch vành. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ca chụp động mạch vành qua da lần đầu thực hiện vào ngày 27-12-2022 dưới sự hướng dẫn của đoàn chuyển giao kỹ thuật Bệnh viện Tim Hà Nội.

Từ tháng 12-2022 đến tháng 10-2023, có 90 bệnh nhân được chỉ định chụp động mạch vành qua da, trong đó, nam giới chiếm 67,8%, độ tuổi trung bình là 62,79. Chụp động mạch vành kịp thời sẽ phát hiện các bệnh lý tim mạch và giúp bệnh nhân điều trị hiệu quả.

Nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Như Nguyện

Nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Như Nguyện

Liên quan đến dinh dưỡng cho bệnh nhân suy thận mạn tính lọc máu chu kỳ, đề tài “Tình trạng dinh dưỡng ở bệnh nhân suy thận mạn tính lọc máu chu kỳ” do Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc Trần Thị Kim Chung làm Chủ nhiệm được xếp loại B.

Đề tài nghiên cứu từ tháng 3-2023 đến tháng 9-2023 trên 127 bệnh nhân suy thận mạn tính lọc máu chu kỳ tại bệnh viện. Nghiên cứu nhằm đánh giá tình trạng dinh dưỡng hiện tại, từ đó lập các phương án giáo dục sức khỏe, xây dựng và điều chỉnh chế độ ăn phù hợp cho các bệnh nhân.

Tiến sĩ-bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đăng Bảo-quyền Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Chủ tịch hội đồng chuyên môn-đánh giá: Hội nghị khoa học là 1 trong 7 chức năng, nhiệm vụ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Hội nghị được tổ chức thường niên với mục đích khích lệ các bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng viên các khoa, phòng tích cực tham gia nghiên cứu khoa học cũng như đưa ra các giải pháp đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác khám-chữa bệnh.

Có thể bạn quan tâm