Ảnh minh họa: Internet |
Ngày 28/8, TS Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan Mật (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết trong thời gian ngắn kỷ lục, chỉ cách nhau 1 ngày bệnh viện đã thực hiện 2 ca ghép gan cho 2 bệnh nhi.
Bệnh nhân đầu tiên 4 tuổi bị teo mật bẩm sinh, xơ gan, nguy cơ tử vong cao. Ca ghép gan cho bệnh nhi hoàn thành sau 12 tiếng với 1 phần gan từ người cho là bà nội bệnh nhi. Sau mổ, bệnh nhân nhiễm khuẩn, sốt nhiễm trùng nặng, vàng da… nên việc điều trị vô cùng khó khăn. TS Đặng Ánh Dương, Phó trưởng khoa Hồi sức Ngoại cho biết: “Vấn đề thải ghép, tắc mạch hoặc nhiễm khuẩn được đặt ra, sau khi hội chẩn, chúng tôi quyết định điều trị theo hướng nhiễm trùng, tập trung điều trị nhiễm khuẩn theo hướng vi khuẩn và nấm. Sau 2 tuần tình trạng bệnh nhân biến chuyển, các xét nghiệm chức năng gan cải thiện nhiều”. Bệnh nhi này đã được xuất viện chiều 28/8.
Bệnh nhân thứ 2 là bé trai 15 tuổi bị bệnh Wilson, đã điều trị 5 năm, bị xơ gan giai đoạn cuối, đủ tiêu chuẩn ghép gan. Ca ghép kéo dài 20 tiếng đồng hồ. Bệnh nhân nhận nửa gan phải từ người chú ruột. Hai ca ghép diễn ra dưới sự phối hợp của kíp phẫu thuật viên và nhân viên y tế khoảng 50 người với chuyên gia ghép tạng Chin Su Liu và cộng sự đến từ Đài Loan.
TS Dương cho biết thêm, Bệnh viện Nhi là một trong những bệnh viện đầu tiên tiến hành ghép gan của Việt Nam, đến nay BV đã ghép được 13 ca. Cơ hội sống sau 5 năm ghép là 80- 90%. TS Đặng Ánh Dương cho biết, ghép gan là kỹ thuật cao, cần sự phối hợp lớn của các khoa. Hiện tại khoa Gan mật quản lý 980 hồ sơ bệnh gan mật khác nhau, tỷ lệ nhóm teo mật bẩm sinh hơn 300 hồ sơ, tỷ lệ cần khoảng 30% cần ghép gan. Số phải ghép khoảng vài chục bệnh nhi mỗi năm. Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng có điều kiện để ghép gan. Bác sĩ Hoa cho hay, ghép gan ở Mỹ 280.000 USD, tại Bệnh viện Việt Đức 1,5 tỷ đồng. Hai ca ghép lần này tại Bệnh viện Nhi T.Ư hết hơn 500 triệu đồng/ca và được bảo hiểm y tế hỗ trợ một phần.
Thái Hà (TP)