Bệnh xá Sư đoàn 2: Đi đầu phòng-chống sốt xuất huyết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian gần đây, Bệnh xá Sư đoàn 2 (Quân khu 5) mỗi ngày đón khoảng 50 lượt bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) đến khám và điều trị. Lúc cao điểm, con số này có khi lên đến 200 lượt người, trong khi Bệnh xá chỉ tương đương với bệnh viện hạng 3 với quy mô 50 giường bệnh và 10 bác sĩ. Tuy nhiên, vì sức khỏe của nhân dân, những người thầy thuốc quân y nơi đây đã làm việc với tinh thần “mỗi người làm việc bằng 2”.
Bệnh xá Sư đoàn 2 đứng chân trên địa bàn thị xã An Khê nhưng tiếp nhận và điều trị cho cả những bệnh nhân các huyện lân cận như: Kbang, Kông Chro, Đak Pơ. Bà Đặng Thị Tất (57 tuổi, trú tại thôn 2, xã Đak Pơ Pho, huyện Kông Chro) cho biết: “Tôi bị SXH, đã điều trị ở đây 2 ngày và thấy đỡ nhiều rồi. Tôi cũng bất ngờ vì đường khá xa nhưng rất đông người dân ở huyện Kông Chro ra đây khám, điều trị. Bác sĩ quân y rất tốt, nói năng nhỏ nhẹ, tận tình, chu đáo với người bệnh”.
 Bác sĩ Bệnh xá Sư đoàn 2 thăm khám cho bệnh nhân Đoàn Thị Thúy Kiều. Ảnh: N.A.S
Bác sĩ Bệnh xá Sư đoàn 2 thăm khám cho bệnh nhân Đoàn Thị Thúy Kiều. Ảnh: N.A.S
Chị Đoàn Thị Thúy Kiều (31 tuổi, trú tại phường An Phú, thị xã An Khê) được đưa đến Bệnh xá Sư đoàn 2 trong tình trạng sốt cao, tiểu cầu giảm, huyết áp thấp rất nguy hiểm. Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã điều trị tích cực, giúp sức khỏe chị dần hồi phục. Chị Kiều tâm sự: “Biết mình bị SXH nhưng tôi chủ quan ở nhà tự mua thuốc điều trị, vì thế bệnh không khỏi mà còn nặng thêm. May nhờ có các bác sĩ quân y, không thì tôi nguy mất”.
Thượng tá, bác sĩ Trần Xuân Thành-Chủ nhiệm Quân y Sư đoàn 2-cho hay: Thị xã An Khê và các huyện lân cận là vùng tâm dịch SXH của tỉnh trong thời gian vừa qua. Dịch bùng phát mạnh do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do sự thiếu hiểu biết và chủ quan về bệnh SXH của người dân. Những người bị SXH vào Bệnh xá Sư đoàn 2 khi được hỏi về công tác phòng-chống dịch thì hầu như không hay biết, không có biện pháp diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy; thậm chí nhiều người ngủ còn không mắc màn, khi bị SXH rồi vẫn chủ quan ở nhà mua thuốc tự điều trị, không có biện pháp cách ly dẫn đến lây bệnh cho cả gia đình.
Cũng theo bác sĩ Trần Xuân Thành, dịch SXH lây lan nhanh và nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng-chống được thông qua việc tiêu diệt mầm bệnh, muỗi truyền bệnh và thực hiện nếp sống khoa học. Ở giai đoạn cao điểm của dịch, toàn đơn vị có 12 cán bộ, chiến sĩ bị SXH nhưng được cách ly, điều trị kịp thời và khỏi bệnh ngay sau đó 5 ngày. Bệnh nhân SXH là người dân điều trị tại Bệnh xá Sư đoàn 2 cũng chỉ mất 5-7 ngày là khỏi bệnh và không có một trường hợp nào biến chứng phải chuyển tuyến. Đặc biệt, Bệnh xá thực hiện quy định “thông tuyến bảo hiểm y tế” nên người dân đến khám, điều trị cũng rất tiện lợi.
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi còn ghi nhận sự tích cực, chủ động giúp nhân dân phòng-chống dịch SXH của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 2. Đảng ủy, Chỉ huy Sư đoàn đã chỉ đạo ngành Quân y phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng-chống dịch bệnh; thành lập các tổ công tác, một mặt thu dung, điều trị cho người dân một cách tốt nhất, mặt khác tiến hành các biện pháp ngăn chặn, không để dịch lây lan trong đơn vị. Phát động phong trào, ra quân làm sạch môi trường và địa bàn đứng chân như: thu gom, hủy các vật dụng phế thải, chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…; lật úp các dụng cụ chứa nước không dùng đến, đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy…
Bên cạnh đó, đơn vị cũng yêu cầu mỗi cán bộ, y-bác sĩ phải là một tuyên truyền viên vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch SXH. Hàng tuần, tổ công tác còn đến từng cơ quan, đơn vị thông báo tình hình dịch SXH trên địa bàn, kiểm tra và phổ biến các biện pháp phòng-chống một cách hiệu quả.
 NGUYỄN ANH SƠN

Có thể bạn quan tâm