Các nhà khoa học Nhật Bản đã đưa tin rằng, trong quá trình thử nghiệm, vi khuẩn Deinococcal radiodurans (viết tắt Deinococcus) đã chứng minh năng lực sống sót sau 3 năm trong không gian.
Người ngoài hành tinh. |
Điều này gián tiếp chứng minh rằng vi sinh vật có thể di chuyển từ hành tinh này sang hành tinh khác cùng với sao chổi hoặc tiểu hành tinh và cư trú ở những góc xa nhất của Không gian Vũ trụ. Điều này có nghĩa là rất có thể sự sống đã được mang tới Trái đất theo cách này.
Hành trình lang thang giữa các hành tinh
Năm 2008, trong quá trình nghiên cứu tầng đối lưu nằm ngay phía dưới tầng bình lưu, các nhà khoa học từ Đại học Tokyo (Nhật Bản) đã tìm thấy vi khuẩn Deinococcus ở độ cao 12 km. Có một số đoàn thể gồm hàng tỷ vi sinh vật. Tức là, các đoàn thể vi sinh vật có thể nhân lên ngay cả trong điều kiện bức xạ mặt trời mạnh.
Sau đó, các nhà khoa học nhiều lần kiểm tra sức sống của chúng. Hoá ra, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột - từ âm 80 đến cộng 80 độ C trong 90 phút, cũng như bức xạ mạnh không gây hại cho vi khuẩn dai dẳng.
Thử nghiệm cuối cùng là không gian vũ trụ. Năm 2015, các "tấm phơi nhiễm" của vi khuẩn Deinococcus đã được đặt bên ngoài mô-đun thí nghiệm Kibo của Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS. Các mẫu có độ dày khác nhau đã hiện diện ở đó trong thời gian một năm, hai năm và ba năm.
Kết quả là trong lớp đoàn thể với độ dày mỏng hơn 0,5 mm các vi khuẩn đã chết. Còn ở các đoàn thể với độ dày lớn hơn, những vi khuẩn đã chết chỉ riêng ở lớp trên. Các vi sinh vật ở sâu trong quần thể đã sống sót.
Theo các tác giả của công trình khoa học, vi khuẩn ở đoàn thể có độ dày hơn 0,5 mm có khả năng tồn tại trên bề mặt tàu vũ trụ từ 15 đến 45 năm. Một đoàn thể Deinococcus với đường kính khoảng một mm có thể tồn tại trong không gian vũ trụ trong thời gian 8 năm. Và nếu được bảo vệ ít nhất một phần - ví dụ, nếu đoàn thể vi khuẩn được che bằng viên đá - thì thời gian tồn tại tăng đến 10 năm.
Khoảng thời gian này là đủ dài để di chuyển từ sao Hỏa đến Trái đất và trở về sao Hỏa. Tức là, các sinh vật sống có đủ khả năng di chuyển giữa các hành tinh trên sao chổi hoặc tiểu hành tinh. Điều đó trùng khớp với một giả thuyết gọi là "panspermia" là thuyết nguồn gốc sự sống từ vũ trụ.
Vị khách ngoài hành tinh
Năm 2017, kính viễn vọng Pan-STARRS 1 của Đại học Hawaii đã phát hiện một vật thể vũ trụ bất thường. Lúc đầu các nhà khoa học nghĩ rằng, đây là một sao chổi, sau đó nó được phân loại lại thành tiểu hành tinh, vì không có dấu hiệu hoạt động của sao chổi nào. Ở đây nói về Oumuamua - vật thể liên sao đầu tiên đặt chân đến hệ mặt trời.
Vài tháng sau, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Vật lý Thiên thể Harvard-Smithsonian (Mỹ) chứng minh rằng, những vật thể liên sao như vậy có thể bị mắc kẹt trong hệ Mặt trời do lực hấp dẫn của Sao Mộc và Mặt trời. Theo các nhà khoa học Mỹ, hàng nghìn tiểu hành tinh ngoài hệ Mặt trời đang bay xung quanh ngôi sao của chúng ta và có khả năng mang lại sự sống từ một hệ hành tinh khác tới Trái đất.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, rất có thể, những bẫy hấp dẫn như vậy xảy ra ở hầu hết các ngôi sao trong hệ thống hành tinh khí khổng lồ. Hơn nữa, một số ngôi sao, ví dụ Alpha Centauri A và B, có lực hấp dẫn đủ mạnh để hút cả những hành tinh bay tự do sau khi rời quỹ đạo xung quanh ngôi sao mẹ. Điều này có nghĩa là các vì sao và thiên hà có thể trao đổi các thành phần sống - vi sinh vật và tiền chất hóa học.
Tất cả phụ thuộc vào một số yếu tố. Trước hết, đây là tốc độ và kích thước của vật mang vi khuẩn và khả năng sống sót của các vi khuẩn. Theo mô hình do các nhà nghiên cứu đề xuất, những hạt giống sự sống từ mỗi hành tinh mang sự sống lan truyền trong không gian theo mọi hướng. Khi đối mặt với một hành tinh có điều kiện thích hợp, chúng mang các vi sinh vật lên đó. Và các vi sinh vật này có thể bám dính vào hành tinh mới và mở đầu cho quá trình tiến hóa.
Vì vậy, không loại trừ khả năng trong bầu khí quyển của các hành tinh gần Trái đất sẽ phát hiện những dấu vết của các sinh vật sống.
Thiên thạch mang sự sống
Theo các nhà nghiên cứu Canada và Đức, sự sống trên Trái đất có nguồn gốc từ thiên thạch. Rất có thể, cách đây 4,5-3,7 tỷ năm, những thiên thể vũ trụ này đã bắn phá hành tinh và mang theo 4 nguyên tố - vật liệu cơ bản tạo ra DNA và RNA.
Đến thời điểm đó, Trái đất đã nguội đi đủ để những nguồn nước nóng ổn định hình thành trên đó. Khi nhiều đoạn RNA phân tán gặp nguồn nước, chúng bắt đầu dính vào nhau thành nucleotide. Điều kiện thời tiết đã thúc đẩy quá trình này vì độ sâu của các nguồn nước liên tục thay đổi do các chu kỳ thay đổi của lượng mưa, bốc hơi và thoát nước.
Kết quả là, các phân tử RNA tự sao chép từ các phần tử khác nhau đã phát triển thành DNA. Và những phân tử DNA, đến lượt mình, đã đặt nền móng sự sống của Trái đất.
Theo các nhà nghiên cứu Scotland, không phải thiên thạch bay mà là bụi vũ trụ đã mang sự sống đầu tiên tới Trái Đất. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý: mặc dù bụi vũ trụ có thể chứa những vật liệu cần thiết, nhưng vẫn không đủ để tạo thành phân tử RNA.
Tuấn Anh (Theo Sputnik/Dân Việt)