Khoa học - Công nghệ

Bí ẩn khoa học

'Quái vật' đe dọa hất văng Trái Đất đã chạm đến dải Ngân Hà?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Một nghiên cứu mới cho thấy vụ va chạm giữa thiên hà chứa Trái Đất và người láng giềng khổng lồ có thể đã bắt đầu.

Từ lâu các nhà khoa học đã dự đoán rằng thiên hà Milky Way (Ngân Hà) mà Trái Đất thuộc về sẽ va chạm với người hàng xóm "quái vật" Andromeda (Tiên Nữ) trong 4-5 tỉ năm tới.

Nhưng một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Nature Astronomy lại chứng minh vụ va chạm đó thực sự đã bắt đầu, mặc dù không theo cách chúng ta từng nghĩ.

Thiên hà "quái vật" mang tên Tiên Nữ được đặt cạnh dải Ngân Hà theo góc nhìn từ Trái Đất - Ảnh đồ họa: NASA

Thiên hà "quái vật" mang tên Tiên Nữ được đặt cạnh dải Ngân Hà theo góc nhìn từ Trái Đất - Ảnh đồ họa: NASA

Theo Science Alert, công trình mới của các nhà khoa học Úc và Mỹ đã tập trung vào quầng thiên hà, còn gọi là môi trường bao quanh thiên hà (CGM).

Đó là một quầng vật chất rộng lớn nhưng mờ tối bao quanh phần đĩa rực sáng mà trước đây người ta từng tưởng là tất cả thiên hà.

Quầng thiên hà có thể chiếm tới 70% khối lượng của thiên hà.

Bất chấp sự hiện diện thống trị của nó trên khắp vũ trụ, người ta biết rất ít về cấu trúc điển hình của môi trường này, bao gồm việc nó thực sự kết thúc ở đâu, khiến cho việc phân biệt ranh giới thực tế giữa các thiên hà trở nên khó khăn.

Trong nghiên cứu mới, nhóm nghiên cứu đã dùng một công cụ có độ nhạy cao chụp một số hình ảnh tập trung vào thiên hà xoắn ốc tương đối nhỏ IRAS 08339+6517 (gọi tắt là IRAS08), nằm cách chúng ta 270 triệu năm ánh sáng.

Bằng cách chụp một vùng không gian rộng hơn nhiều, cách rìa đĩa sáng của thiên hà khoảng 90.000 năm ánh sáng, nhóm nghiên cứu có thể phân tích những thay đổi đặc trưng trong thành phần của môi trường này.

Một số hình ảnh cho thấy sợi khí hydro trung tính kết nối IRAS08 với một thiên hà lân cận nhỏ hơn.

Nhưng xung quanh các sợi khí này còn có hydro bị mất electron trôi nổi, trộn lẫn với oxy, thứ chỉ xuất hiện khi có nguồn nhiệt tác động.

"Chúng tôi tìm thấy chúng ở mọi nơi, điều này thực sự thú vị và có phần bất ngờ" - tác giả chính Nikole Nielsen từ Đại học Swinburne (Úc) nói.

Theo ông, nguồn nhiệt tham gia vào hiện tượng có thể là các cú sốc - sự tương tác giữa IRAS08 và thiên hà nhỏ lân cận, khiến các nguyên tử va chạm nhau.

Điều này có nghĩa quầng vô hình của hai thiên hà này đã thực sự chạm nhau dù đĩa ánh sáng của chúng còn rất xa nhau.

Áp dụng mô hình tương tự lên Ngân Hà và Tiên Nữ, các nhà khoa học tin rằng quầng thiên hà của cả hai đã chồng lấn một phần lên nhau.

Điều này có nghĩa vụ va chạm đã bắt đầu. Nhưng bạn không nên quá lo lắng.

Một số nghiên cứu trước đây từng cảnh báo vụ va chạm giữa Ngân Hà, một thiên hà thuộc hàng "quái vật" trong thế giới thiên hà, với một kẻ đối đầu thậm chí còn lớn hơn như Tiên Nữ, sẽ có hậu quả thảm khốc.

Một trong số các hậu quả đó là Trái Đất có thể bị hất văng khỏi vùng sự sống của hệ Mặt Trời.

Tuy vậy, kịch bản này chỉ có thể xảy ra khi hai đĩa chính của hai "quái vật" thực sự đụng độ trong 4-5 tỉ năm tới.

Quầng thiên hà của Ngân Hà và Tiên Nữ rất lớn, nên mặc dù cấu trúc vô hình này có bắt đầu va chạm, hai chiếc đĩa đầy sao và hành tinh của chúng hãy còn cách nhau tới 2,5 triệu năm ánh sáng.

Theo Thu Anh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm