Trong hình ảnh được các nhà khoa học tái hiện, loài quái thú vừa được đặt tên là Emiliasaura alessandrii hiện lên với thân hình nhiều màu sắc, vẻ ngoài giống bò sát nhưng có cặp chân và dáng đi khá giống đà điểu.
Theo Sci-News, loài quái thú mới đã được xác định từ các phần xương lộ ra tại 2 địa điểm khác nhau thuộc khu vực Patagonia của Argentina, nơi nổi tiếng với hóa thạch của vô số sinh vật thời khủng long.
Cụm mẫu vật đầu tiên bao gồm xương quạ, xương chi trước và chi sau bên phải hoàn chỉnh, trong khi cụm mẫu vật thứ hai bảo tồn các thành phần đốt sống, cung xương, xương chậu không hoàn chỉnh và chi sau gần như hoàn chỉnh.
Một nhóm nghiên cứu lớn từ Argentina, Canada và một số nước châu Âu đã thu thập và phân tích mẫu vật, xác định đây là một loài khủng long chưa từng được ghi nhận trước đây.
Emiliasaura alessandrii là một thành viên của phân nhóm Iguanodontia, một thành viên của nhóm khủng long chân chim Ornithopoda.
Nó sống vào khoảng 138 triệu năm về trước, tức đầu kỷ Phấn Trắng, được biết đến như thời đại hoàng kim của gia tộc khủng long.
“Sự đa dạng của khủng long quanh ranh giới kỷ Jura - Phấn Trắng là một chương độc đáo được đánh dấu bằng sự hình thành của một số dòng dõi chính” - TS Rodolfo Coria từ Hội đồng Nghiên cứu khoa học và kỹ thuật quốc gia Argentina, tác giả đầu tiên của nghiên cứu, cho biết.
Tuy nhiên, hồ sơ về khủng long trong thời kỳ đầu của kỷ Phấn Trắng còn rất hạn chế, đặc biệt là ở Nam Mỹ.
Vì vậy, Emiliasaura alessandrii đã xuất hiện như một kho tàng hiếm có đối với các nhà cổ sinh vật học, giúp họ rất nhiều trong việc hoàn thiện bức tranh về thế giới quái thú thời kỳ này.
Nghiên cứu về sinh vật độc đáo này vừa được công bố trên tạp chí khoa học Cretaceous Research.
Theo Anh Thư (NLĐO)