Kinh tế

Giá cả thị trường

Bị bêu tên, vì sao phân bón giả vẫn lộng hành "móc túi" nông dân?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Con số thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trung bình mỗi năm lực lượng quản lý thị trường bắt giữ trên 3.000-4.000 vụ phân bón giả, kém chất lượng. Câu hỏi đặt ra là vì sao mỗi lần cơ quan chức năng xử phạt, kẻ vi phạm đều bị "bêu tên", song các đối tượng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng vẫn lộng hành, từng ngày "móc túi" ăn trên lưng người nông dân?
"Móc túi" nông dân bằng nhiều chiêu trò tinh vi
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng các tỉnh Thái Nguyên, Bình Phước, Đồng Nai liên tiếp tiến hành kiểm tra và phát hiện nhiều cơ sở, đại lý kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng, làm ăn bát nháo, sử dụng nhiều chiêu trò nhằm "móc túi" nông dân.
 
Trung bình mỗi năm, lực lượng quản lý thị trường bắt giữ khoảng 3.000-4.000 vụ phân bón giả, kém chất lượng. Ảnh minh hoạ: I.T
Đơn cử như tại Bình Phước, cơ quan chức năng tỉnh này tiến hành kiểm tra Cửa hàng vật tư nông nghiệp (VTNN) Phú Nghĩa tại thôn 1 đường 10, huyện Bù Đăng và phát hiện cửa hàng kinh doanh phân bón giả (có chất lượng dưới 70% công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm), là sản phẩm Phân bón gốc hoà tan RICH NPK 15-15-15 +TE của Công ty VTNN Hưng Thịnh Phát sản xuất ngày 15/10/2019 (thời gian sử dụng là 2 năm). 
Cơ quan chức năng đã phạt Cửa hàng VTNN Phú Nghĩa 30 triệu đồng về hành vi kinh doanh phân bón giả. 
Trước đó, cuối năm 2019 cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên cũng đã phát hiện một số cửa hàng kinh doanh phân bón giả, làm nhái nhãn mác của các hãng phân bón uy tín. 
Cụ thể, tại cửa hàng Hưng Hiển ở xã Hợp Tiến (huyện Đồng Hỷ) và tại Công ty CP XNK Thương mại và Du lịch Sơn Luyến ở xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ - Tổng đại lý của Công ty CP Bảo vệ Thực vật Miền Bắc (địa chỉ tại Cầu Giấy, TP Hà Nội), cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã lấy mẫu phân bón NPK-S+TE 5.10.3-8 và NPK-S 12.5.10-14. Kết quả, cả hai mẫu phân bón đều không đạt theo tiêu chuẩn công bố.
Điều đáng nói là bằng mắt thường, có thể dễ dàng nhận thấy sản phẩm NPK-S+TE 5.10.3-8 của Công ty CP Bảo vệ thực vật Miền Bắc giống tới 80-90% sản phẩm NPK-S*M1 Lâm Thao 5.10.3+8 của Công ty CP Supe Phốt phát và hóa chất Lâm Thao - thương hiệu phân bón nổi tiếng trên thị trường về kiểu dáng, cách sắp xếp các thông tin, hình ảnh trên bao bì.
Nếu chủ cửa hàng xếp lẫn các bao phân bón của 2 công ty này, nông dân rất dễ bị đánh lừa và mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. 
Trong khi đó, mặc dù kinh doanh phân bón kém chất lượng, song chủ cửa hàng Hưng Hiển chỉ bị xử phạt hành chính rất "nhẹ nhàng" với số tiền 712.500 đồng. 
 
Sản phẩm phân bón của Công ty CP Bảo vệ Thực vật Miền Bắc.
Mức xử phạt quá nhẹ, chỉ như "gãi ngứa"
Trao đổi với PV Báo NTNN/Dân Việt, ông Vũ Xuân Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Supe phốt phát và hoá chất Lâm Thao cho biết, sở dĩ các đối tượng sản xuất kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn có "đất sống" là vì mức xử phạt hiện nay quá nhẹ, chỉ như "gãi ngứa" so với mức lợi nhuận họ thu được.
“Ví dụ như vụ vi phạm lĩnh vực phân bón ở Thái Nguyên mới đây, người bán phân bón giả chỉ bị xử phạt hơn 700.000 đồng. Số tiền này không đáng là bao so với lợi nhuận họ thu được nhờ tiêu thụ phân bón giả, nhái cho các nhà sản xuất. Các đối tượng sản xuất phân bón giả, nhái, kém chất lượng sẵn sàng chi chiết khấu rất cao để các đại lí tiêu thụ phân bón cho họ. Vì lợi nhuận, thậm chí các đại lí, chủ cửa hàng còn gợi ý, tư vấn cho nông dân mua phân bón kém chất lượng”, ông Hồng nói.
Ông Hồng cũng cho biết, thời gian qua Công ty CP Supe phốt phát và hoá chất Lâm Thao bị ảnh hưởng, thiệt hại rất lớn bởi sự lộng hành của các loại phân bón giả, nhái nhãn mác, hoặc phân bón kém chất lượng. 
“Lợi dụng nhãn hàng phân bón Lâm Thao đã có uy tín lâu năm, không ít đối tượng đã làm nhái nhãn mác, bao bì phân bón của chúng tôi, tung chiêu giảm giá, tặng quà để dễ dàng đánh lừa nông dân. Chúng tôi đã kiểm tra một số đại lí cấp 2, 3, thấy có tình trạng chủ cửa hàng cố tình xếp các bao phân bón Lâm Thao vào phía sau nơi bày hàng, còn những loại có bao bì giống hệt với phân bón Lâm Thao, hay những loại phân bón trôi nổi khác thì được chủ cửa hàng bày bán ở vị trí bắt mắt, dễ nhìn thấy”, ông Hồng nói.
 
Các đối tượng làm phân bón giả thường sử dụng bột đá làm nhái phân lân Lâm Thao, hoặc chỉ tiêu hàm lượng các chất có trong phân bón thấp hơn nhiều so với công bố. Ảnh minh hoạ: I.T
Ông Hồng tiết lộ, thời gian qua, công ty còn phát hiện một số cửa hàng kinh doanh phân bón nhỏ lẻ đã lấy vỏ bao bì phân bón Lâm Thao, hoặc đặt in giả bao bì phân bón Lâm Thao để đựng phân bón của các công ty không có thương hiệu, rồi bán cho nông dân với giá thấp.
Trao đổi với PV Dân Việt về Dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trồng trọt (Bộ NNPTNT chủ trì soạn thảo và đang lấy ý kiến), ông Hồng cho rằng, các mức đề xuất xử phạt trong dự thảo Nghị định vẫn chưa có thay đổi nhiều, chưa thực sự mang tính răn đe khi những vụ vi phạm chỉ bị xử phạt vài triệu tới vài chục triệu đồng.

"Quy định xử phạt nhẹ thì các đối tượng vẫn có thể dễ dàng lách luật, nộp tiền phạt xong lại tái phạm", ông Vũ Xuân Hồng nói.

Ông Hồng phân tích: "Tôi đã đọc rất kỹ dự thảo và thấy rằng không khác gì nhiều so với các quy định trước đây. Đặc biệt, quy định về “Hàng giả” là chưa thoả đáng, không có thay đổi về bản chất. Nếu định nghĩa hàng giả là hàng hoá có hàm lượng định lượng chất chính hoặc tổng các chất dinh dưỡng chỉ từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, vậy thì 30% còn lại là được phép làm giả hay sao?".

"Đây chính là kẽ hở rất lớn để những kẻ sản xuất phân bón giả, kém chất lượng lách luật, "ăn bám" trên lưng người nông dân và làm thiệt hại cho các doanh nghiệp phân bón làm ăn chân chính. Tôi cho rằng, phải nâng lên 90%, thậm chí cao hơn nữa thì phân bón giả, nhái, kém chất lượng mới không còn đất sống”, ông Hồng nói.
Minh Huệ (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm