Ngày 20.2, tin từ Sở Y tế Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh này vừa ghi nhận một trường hợp tử vong do bệnh dại. Bệnh nhân tên là V.V.T (53 tuổi, trú xã Pơng Đrang, H.Krông Búk, Đắk Lắk).
Theo thông tin ban đầu, ngày 14.2, bệnh nhân T. khởi phát bệnh với triệu chứng sốt, đau đầu. Đến sáng 18.2, bệnh nhân sốt cao kèm sợ nước nên được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa (BVĐK) vùng Tây Nguyên điều trị. Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi bệnh dại lên cơn và sau đó tử vong tại nhà vào sáng 19.2.
Theo người nhà bệnh nhân, khoảng 2 tháng trước đó, ông T. bị chó cắn vào bàn tay nhưng không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Cùng thời gian trên, chó cắn thêm 2 người trong nhà và chó xung quanh, người nhà đã giết chó làm thịt. Hai người trong nhà có tiêm huyết thanh và vắc xin phòng bệnh dại.
Tiêm phòng dại cho chó ở một xã nông thôn Đắk Lắk |
Trước đó, vào cuối tháng 1, BVĐK vùng Tây Nguyên tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân H.R.N (49 tuổi, trú xã Ea Yông, H.Krông Pắk, Đắk Lắk) có biểu hiện sốt, đau nhức người, nôn ói, sợ gió, sợ nước, với chẩn đoán theo dõi bệnh dại lên cơn. Bệnh nhân tử vong sau 2 ngày nhập viện. Theo người nhà bệnh nhân, trước đó một tháng, bệnh nhân bị chó chạy rông cắn vào bàn chân bên trái và không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
Một trường hợp khác là bệnh nhân T.T.H (51 tuổi, trú xã Hoà An, H.Krông Pắk, Đắk Lắk) khởi phát bệnh vào ngày 5.2, với triệu chứng mệt mỏi, sợ nước, sợ gió, người nhà đưa đi khám tại Trung tâm Y tế H.Krông Pắk, chuyển lên BVĐK vùng Tây Nguyên với chẩn đoán theo dõi bệnh dại lên cơn và tử vong sau đó. Trước đó hơn một tháng, bệnh nhân này bị chó chạy rông cắn vào các ngón bàn tay trái nhưng không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
Theo BS Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, trong vòng chưa đầy 2 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong trên do bệnh dại.
"Các tháng tới bước vào mùa nắng nóng, dễ bùng phát nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất là bệnh dại. Do đó, người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe, tính mạng. Khi bị chó cắn, mèo cào, người dân nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn, hướng dẫn tiêm vắc xin hoặc huyết thanh phòng bệnh", ông Phúc khuyến cáo.