Bạn đọc

Bi hài chuyện thuốc thú y

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Những năm 80 của thế kỷ trước, chăn nuôi (chủ yếu là nuôi heo) được xem là một phương cách làm kinh tế phổ biến của mọi gia đình, từ nông dân, thị dân đến cán bộ, công chức, viên chức. Nghĩa là, người người nuôi heo, nhà nhà nuôi heo. Vậy nên nhiều gia đình sợ nhất là heo ốm. Heo bỏ ăn là người mất ngủ. Cũng bởi, số đông công chức, viên chức ngày ấy thường cả năm ky cóp nuôi vài con heo, coi như tiền bỏ ống dành đến lúc đi phép về thăm quê, nếu heo lăn ra bị bệnh là vỡ kế hoạch.

Thời ấy, đất nước đang bị cấm vận, các loại thuốc Tây hầu như khan hiếm. Thuốc thú y là một loại vật tư nông nghiệp được quản lý và phân phối theo hệ thống. Các đơn vị chăn nuôi trang trại quốc doanh trực thuộc Sở Nông nghiệp thì được cung ứng thuốc thú y bởi công ty vật tư nông nghiệp của tỉnh. Các trang trại chăn nuôi cấp 2 được cân đối thuốc theo ngành dọc xuống các trạm vật tư huyện theo kế hoạch sản xuất. Trường hợp xảy ra dịch, các cơ sở chăn nuôi quốc doanh có thể chủ động lập tờ trình lên cấp tỉnh để xin cấp cơ số thuốc để xử lý.

Đối với hộ chăn nuôi, thường khi heo bị bệnh mới được mua thuốc từ các trạm thú y theo đơn và duyệt lệnh hoặc giấy giới thiệu của cấp có thẩm quyền. Ở địa bàn tỉnh, khi heo ốm đau hoặc có nhu cầu mua thuốc, phần lớn cán bộ, công chức viết giấy trình bày gửi Phòng Chăn nuôi-Thú y thuộc Sở Nông nghiệp. Phòng sẽ viết giấy giới thiệu, lãnh đạo ký, người mua thuốc cầm giấy tờ ấy đến Trạm Thú y tỉnh mua thuốc về dùng.

Thuốc kháng sinh thú y thời bao cấp chủ yếu đều được nhập từ Liên Xô. Thuốc rời khỏi quầy thú y, hầu như ít ai phân biệt được thuốc cho heo hay thuốc cho người. Thời ấy, thuốc Tây còn được bán từng mẹt ở chợ như đồ khô các loại, ít người biết rõ nguồn gốc. Một số kỹ sư du học ở Đông Âu về công tác trong ngành thì khẳng định: Bên đó, tiêu chuẩn thuốc thú y và nhân y là như nhau. Một số nước còn coi trọng thú y chẳng khác gì nhân y. Và theo nhiều người, do ta nhập về từ 2 hệ thống khác nhau thành ra 2 luồng thuốc khác biệt, chứ bên kia họ dùng chung. Vậy nên, thuốc kháng sinh thú y cứ được lẳng lặng dùng cả cho người. Đặc biệt, những người mắc bệnh xã hội thầm kín, cần che giấu bệnh thì cứ mua thuốc kháng sinh thú y bí mật dùng. Thuốc kháng sinh thú y một thời như thần dược, chữa bệnh cho người vừa rẻ lại vừa cho hiệu quả chẳng kém gì thuốc dành cho người.

Tôi còn nhớ chuyện ở vùng kinh tế mới có năm xảy ra dịch. Người bệnh khi sốt cao được cho vào võng trùm kín chăn, thồ bằng 2 chiếc xe đạp 2 đầu đưa lên huyện, nhiều khi chưa kịp tới bệnh viện đã tử vong. Đến lượt con bé của ông điểm trưởng, cũng là người phụ trách công tác thú y của điểm, bất ngờ sốt li bì. Ông kiên quyết không chở con lên huyện mà để ở nhà, tự tay dùng streptomycine thú y của Liên Xô tiêm. Không ngờ, con bé đỡ dần rồi khỏi bệnh. Sau đợt chữa cho con gái thành công, ông điểm trưởng bỗng trở nên... nổi tiếng. Cứ bài ấy, ai sốt ông cũng tiêm và cũng đều khỏi! Sau thì cơ quan dịch tễ của tỉnh xuống lấy mẫu xét nghiệm, kết quả cho thấy, địa bàn có dịch hạch thể phổi. Thuốc đặc trị lúc ấy là streptomycine!

Cũng vì sự “thần diệu” của thuốc kháng sinh thú y, nhiều chuyện vui, cũng có chuyện buồn đã xảy ra. Một vụ gian lận mấy trăm lọ kháng sinh thú y đã thành đại hình, mấy cán bộ từ công ty vật tư nông nghiệp tỉnh, trạm thú y tỉnh, trại heo cấp 2 của huyện liên đới đã phải vào tù. Nghĩa là, theo kế hoạch, cơ sở trại heo cấp 2 đã được cân đối thuốc thú y từ trạm vật tư huyện, lại xin cấp tiếp thuốc từ Công ty Vật tư nông nghiệp tỉnh. Đến khi sự việc bại lộ, đường dây cấp thuốc 2 lần để tuồn ra thị trường chợ đen phải chịu án, dù giá trị là không lớn.

Sau cái thời gian khó bi hài ấy, bây giờ mọi việc đã rất rõ ràng. Thuốc nào dùng cho đối tượng ấy, sai luồng tuyến là chuyện lớn, nhất là thuốc heo dùng cho người, có khi phải vướng vào vòng lao lý.

Có thể bạn quan tâm