Kinh tế

Nông nghiệp

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên: Khắc phục khó khăn, vướng mắc để phát huy hiệu quả các chương trình, đề án

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 22-9, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020, mô hình nông hội.



Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy. Tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các các sở, ban, ngành, đoàn thể.


Chương trình OCOP lan tỏa rộng khắp

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, toàn tỉnh đã có 22 sản phẩm đạt 4 sao và 127 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh, tăng 98 sản phẩm so với kế hoạch đề ra. Số sản phẩm này của 103 chủ thể (21 công ty, 30 HTX, 52 cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh) và phân bố ở 53/220 xã, phường, thị trấn. Trong giai đoạn 2018-2020, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, xác lập sở hữu trí tuệ; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại cho các chủ thể tham gia. Các sản phẩm ngày càng đa dạng về mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng. Các chủ thể quan tâm hơn về kiểm soát chất lượng sản phẩm, bảo hộ nhãn hiệu, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, bán hàng. Doanh số tiêu thụ sản phẩm của các chủ thể  tăng khoảng 20% so với thời điểm chưa tham gia chương trình. Bên cạnh đó, tỉnh ta đã mở được 6 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Vũ Thảo
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Vũ Thảo

Về định hướng thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu ít nhất mỗi năm có 100 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao cấp tỉnh trở; đến năm 2025 có ít nhất 2 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng OCOP 5 sao cấp quốc gia. Đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 1.150 sản phẩm đạt OCOP 3-4 sao và có ít nhất 2 sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên, với mục tiêu đề ra, chúng ta phải đánh giá chính xác hiệu quả các sản phẩm OCOP,  như vậy mới khuyến khích được các địa phương có sản phẩm của mình. Đồng thời, phải gắn hoạt động đánh giá với các hoạt động thương mại của địa phương, du lịch nông thôn cũng như du lịch cộng đồng, phát triển làng nghề. Tùy vào điều kiện dịch bệnh, cần thiết phải có nhiều hội chợ trưng bày sản phẩm để khuyến khích nông dân sản xuất sản phẩm OCOP. Cùng với đó, cần hỗ trợ, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.        

Tháo gỡ khó khăn cho HTX nông nghiệp

Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 237 HTX nông nghiệp (tăng 140 HTX so với cuối năm 2017) với 9.000 thành viên (tăng 2.116 thành viên so với cuối năm 2017). Trong số này, có 145 HTX hoạt động hiệu quả, 83 HTX trung bình, 9 HTX yếu, tạm ngừng hoạt động.

Trong giai đoạn vừa qua, toàn tỉnh có 9 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; 66 HTX nông nghiệp, 1 liên hiệp HTX nông nghiệp đã và đang hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với 28 doanh nghiệp và các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh. Qua thực tế triển khai liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã phát huy hiệu quả. Toàn tỉnh có 30 HTX nông nghiệp đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP và đã có 42 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3-4 sao cấp tỉnh.

Thời gian qua, HTX nông nghiệp tuy tăng về số lượng, chất lượng, hiệu quả hoạt động nhưng phát triển chưa như kỳ vọng do đa số còn thiếu vốn để sản xuất kinh doanh, chậm đổi mới công nghệ và thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản phẩm của các HTX chưa có thương hiệu, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Liên quan đến vấn đề này, Bí thư Thị ủy An Khê Nguyễn Xuân Phước cho biết: “Thị xã có 7 HTX và 12 tổ hợp tác. Hiện nay, đa phần HTX trên địa bàn gặp những khó khăn như thiếu nhân lực, nguồn vốn, không có trụ sở, chủ yếu là trưng dụng nhà văn hóa hoặc nhà dân để sinh hoạt. Bên cạnh đó, các HTX chưa xây dựng được nhiều chuỗi giá trị trong sản xuất”. Còn Bí thư Thị ủy Ayun Pa Trần Quốc Khánh thì cho hay: “Về cơ bản, hoạt động của các HTX trên địa bàn đã đi vào nền nếp. Tuy nhiên, các HTX vẫn còn gặp nhiều khó khăn như thành viên ít, tỷ lệ góp vốn ít. Nhiều HTX có mức góp vốn trung bình chỉ từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/thành viên. Nhiều HTX cũng chưa tạo được chuỗi liên kết với các thành viên và với doanh nghiệp. Qua đánh giá, các loại hình, ngành nghề sản xuất kinh doanh của HTX rất đơn điệu, chủ yếu là hoạt động về lĩnh vực dịch vụ thủy lợi và giao thông nội đồng".

 

 Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Vũ Thảo
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Vũ Thảo


Đánh giá nguyên nhân những hạn chế trên, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Thế Hùng cho rằng: "Đa số HTX nông nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn vay vì không có tài sản thế chấp, do đó, việc đổi mới công nghệ vào sản xuất còn ít. Đội ngũ cán bộ HTX đa phần là lớn tuổi, trình độ chuyên môn thấp, thiếu tính năng động nên chưa xây dựng được nhiều phương án kinh doanh, dẫn đến hoạt động cầm chừng". Để đạt các mục tiêu phát triển giai đoạn tới, theo ông Hùng, cần tiếp tục đưa trí thức trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại các HTX nông nghiệp; triển khai thực hiện các đề án bảo tồn, phát triển cây dược liệu, phát triển sản xuất hoa và các đề án khác liên quan đến nông nghiệp. Các cấp, ngành cần quan tâm để các HTX nông nghiệp tham gia đề án và hỗ trợ kinh phí thực hiện; vận động thành lập tổ hợp tác và tiến tới thành lập HTX; tháo gỡ khó khăn về cơ chế vay vốn đối với HTX; có chính sách hỗ trợ phát triển HTX…  


Theo đánh giá của Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên, quá trình phát triển số lượng HTX, liên hiệp HTX đã đạt mục tiêu, nhưng cần tạo động lực để HTX phát triển. Trong thời gian tới, cần phát huy hơn nữa vai trò của Liên minh HTX tỉnh và Ban chỉ đạo phát triển HTX các địa phương; nâng cao hiệu quả thật sự của mô hình kinh tế hợp tác trong nông nghiệp gắn với chủ trương xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nền nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Khuyến khích phát triển HTX nông nghiệp với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, ứng dụng công nghệ cao gắn với thế mạnh của từng địa phương. Cần chủ động nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX như: ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ vốn, nguồn nhân lực, bố trí trụ sở; đồng thời tạo cơ chế thuận lợi trong phát triển HTX…


Xây dựng nông hội phù hợp với thực tế địa phương

Xuất phát từ nguyên tắc “3 không” (không bộ máy, không kinh phí, không cơ sở vật chất), “3 tự” (tự nguyện, tự quản, tự quyết định công việc), “3 cùng” (cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng), qua thời gian triển khai xây dựng, đến cuối tháng 11-2020, toàn tỉnh đã ra mắt 61 mô hình nông hội tại 17/17 huyện, thị xã, thành phố với tổng số 2.025 hội viên. Các nông hội chủ yếu là liên kết sản xuất nông nghiệp, chuyên canh lúa, trồng cây ăn quả, làm nghề truyền thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Vì vậy, xây dựng mô hình nông hội đã trở thành mục tiêu phấn đấu của các địa phương trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Hội viên Nông hội cây ăn quả, rau An Bình (thị xã An Khê) trao đổi kinh nghiệm trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ. Ảnh: Ngọc Minh
Hội viên Nông hội cây ăn quả, rau An Bình (thị xã An Khê) trao đổi kinh nghiệm trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ. Ảnh: Ngọc Minh


Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên: Đối với 3 chương trình OCOP, phát triển HTX nông nghiệp và mô hình nông hội, chúng ta cần xác định mục tiêu và trách nhiệm trong việc khuyến khích, xây dựng để phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân khu vực nông thôn, gắn với việc xây dựng nông thôn mới. 3 chương trình này đều thực hiện ở cơ sở, xuất phát từ cơ sở và do hộ nông dân, tổ liên kết, HTX thực hiện. Tuy nhiên, nếu không có sự tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành thì việc tổ chức thực hiện sẽ khó đạt kết quả tốt. Do đó, phải nhanh chóng khắc phục những khó khăn, vương mắc để việc thực hiện các chương trình đạt kết quả cao nhất.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Võ Thanh Hùng cho biết: Hiện nay, địa phương nào cũng có mô hình nông hội, ít thì 1, nhiều có đến 10 mô hình. Từ thực tiễn cho thấy, việc thành lập mô hình nông hội đã liên kết được những người cùng ngành nghề sản xuất, cùng sở thích, cùng lợi ích, phần nào đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc chia sẻ, hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm, các kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường, tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, đây là mô hình mới nên việc triển khai còn lúng túng; hoạt động liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp còn nhiều bất cập; một số người dân có tư tưởng kỳ vọng, trông chờ vào sự hỗ trợ…Để mô hình này phát huy hiệu quả hơn nữa, theo Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, cần tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện, rà soát lại hoạt động của các nông hội; kịp thời, tháo gỡ khó khăn của các nông hội sau khi thành lập; hỗ trợ tập huấn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của nông hội…

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên, trong quá trình đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm ở các địa phương phía Nam, lãnh đạo tỉnh thấy rằng mô hình nông hội hoạt động rất hiệu quả. Sau đó, Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo phát triển mô hình này ở tỉnh. Để phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn trong điều kiện nhiều nơi chưa thành lập được HTX, các tổ chức có quy củ hoạt động theo quy định của pháp luật thì chúng ta có mô hình nông hội. Vì vậy, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương tùy theo tình hình cụ thể để có cách làm sáng tạo, đảm bảo thực chất, tránh hình thức và chạy theo thành tích, xây dựng các mô hình nông hội mang lại lợi ích thiết thực cho các hội viên, để hội viên tự tin gắn bó, phát triển. Trong quá trình vận động thành lập nông hội cần có các ban chủ nhiệm tâm huyết, nhiệt tình, thể hiện được vai trò dẫn dắt, điều hành để mang lại niềm tin cho hội viên, trao đổi cách làm, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Do đó, chúng ta vừa làm, vừa học hỏi, nghiên cứu và sáng tạo phù hợp đối với mô hình này.

 

VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm