Sức khỏe

Biến chứng nguy hiểm do 'vi khuẩn ăn thịt người'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhiều bệnh nhân nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người" cấp cứu trong tình trạng sốt cao, kém ăn, sụt cân, trong đó có trường hợp vi khuẩn tấn công não.

Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) liên tục tiếp nhận các ca bệnh có triệu chứng rất giống với bệnh lao, nhiễm khuẩn tụ cầu. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm, cấy máu là bệnh Whitmore (còn gọi là "vi khuẩn ăn thịt người").

Nam bệnh nhân bị nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người" được theo dõi tại bệnh viện. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Nam bệnh nhân bị nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người" được theo dõi tại bệnh viện. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Bệnh nhân 58 tuổi, (ở Sóc Sơn, Hà Nội) vào viện trong tình trạng viêm phổi, áp-xe tiền liệt tuyến, trực tràng, kém ăn, sụt cân. Bệnh nhân chia sẻ, xung quanh khu vực ông sinh sống từng có trường hợp nhiễm bệnh này và tử vong.

Trường hợp khác là bệnh nhân 48 tuổi (ở Hà Tĩnh) làm thợ xây, hay tiếp xúc với bùn đất. Người đàn ông này vào viện trong tình trạng sốt, sưng đau, áp xe tay trái, đau nhức trong xương. Trước đó, bệnh nhân từng nhiều lần bị áp-xe ở các vị trí khác nhau trên cơ thể, điều trị ở tuyến trước không tìm ra nguyên nhân. Tại bệnh viện, bác sĩ cũng xác định nam bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn Whitmore.

Gần đây nhất, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nam bệnh nhân 45 tuổi (quê Thái Bình) phát hiện có ổ áp-xe trong não. Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường và làm nghề lái tàu trên biển. Tại bệnh viện, sau khi cấy máu, mủ phát hiện vi khuẩn Whitmore. Sau hơn 20 ngày điều trị kháng sinh và hồi sức tích cực, bệnh nhân đã đỡ sốt, đỡ đau đầu, xét nghiệm ổn định.

Theo các bác sĩ, có nhiều bệnh nhân, vi khuẩn đã xâm nhập vào xương, gây viêm. Các ca bệnh có triệu chứng sốt, kém ăn, sụt cân, sưng và áp-xe một số vị trí trên cơ thể. Dấu hiệu này dễ gây nhầm lẫn với bệnh lao, nhiễm khuẩn tụ cầu.

Theo PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, Whitmore do vi khuẩn tồn tại trong môi trường, xảy ra ở những người thường xuyên tiếp xúc với môi trường bùn, đất, nước như: Nông dân, công nhân xây dựng, người làm vườn, người nạo vét cống rãnh…

Bệnh nhân Whitmore bị sưng đau, áp-xe tay trái, ổ vi khuẩn vào xương.
Bệnh nhân Whitmore bị sưng đau, áp-xe tay trái, ổ vi khuẩn vào xương.

Bệnh có diễn biến và triệu chứng lâm sàng đa dạng, cần chẩn đoán phân biệt với nhiều bệnh. Khi được chẩn đoán và điều trị không đúng, bệnh có tỉ lệ tử vong cao, có thể lên tới 40%.

Bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với môi trường có chứa vi khuẩn. Đặc biệt, khi có vết trầy xước trên da, nguy cơ lây nhiễm càng cao và bệnh tiến triển nhanh hơn.

Để giảm nguy cơ mắc Whitmore, PGS Cường khuyến cáo người dân không nên tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, ứ đọng lâu ngày, đặc biệt là khi có vết thương ngoài da, vết trầy xước, chảy máu. Nên mang dụng cụ bảo hộ lao động khi làm nông nghiệp, dọn dẹp nhà cửa sau bão lũ để ngăn ngừa nhiễm trùng qua chân tay.

Việt Nam là vùng dịch tễ lưu hành Whitmore. Khi người bệnh bị sốt, có các ổ viêm, áp-xe nhiều nơi cần nghĩ ngay đến nguy cơ mắc Whitmore, đặc biệt người có bệnh nền đái tháo đường.

Theo N.Dung (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm