Radar khỏe đẹp

Tuổi "khó nói"

Biết lắng nghe con

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Gen Z có lối sống, tư duy khác biệt thế hệ trước, dẫn đến khoảng cách, hiểu lầm, tranh cãi trong gia đình. Vì vậy, cha mẹ cần thay đổi cách tiếp cận trẻ

Mấy hôm nay, chị Hoàng Lan (quận 3, TP HCM) đau đầu vì tính khí thất thường, không chịu nghe lời cha mẹ của con trai. "Chúng tôi nói gì, cháu đều cãi lại, thậm chí đóng cửa vô phòng không tiếp xúc. Nhiều lúc tôi không thể hiểu nổi con mình" - chị Lan chia sẻ.

Đừng vội phán xét

Chị Lan là giáo viên, chồng là bác sĩ. Từ khi Hùng (15 tuổi) còn nhỏ, chị đã gò con vào kỷ luật và nền nếp. Cậu bé được thầy cô, họ hàng, đồng nghiệp của cha mẹ đánh giá ngoan, lễ phép, học giỏi.

Tuy nhiên gần đây, Hùng có những sự thay đổi về tính cách và hành vi, mà theo chị Lan là "không lường trước được". Mỗi khi chị Lan đưa ra ý kiến hay lời khuyên về việc học hành, sinh hoạt, Hùng thường phản ứng, cãi lại hoặc lầm lì, "đá thúng đụng nia".

"Có lần tôi nhắc con đi ngủ sớm để bảo đảm sức khỏe thì Hùng khó chịu ra mặt. Có lần cháu còn vặn vẹo: "Mẹ lúc nào cũng muốn kiểm soát con. Mẹ không hiểu được con cần gì. Học suốt ngày sao con chịu nổi!". Có những lúc tôi cảm thấy bất lực, lo con rời xa vòng tay mình" - chị Lan tâm sự.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với anh Minh Quang (quận Bình Thạnh). Anh Quang nhiều lần mệt mỏi, có lúc bẳn tính vì sự bướng bỉnh của cô con gái 14 tuổi.

Chứng kiến con suốt ngày ôm điện thoại, không tham gia các hoạt động của gia đình như trước, việc học bị chi phối bởi tin nhắn của bạn bè, anh Quang nhắc nhở nhưng cô bé biện minh là đang học hoặc kết nối với bạn bè để hỏi bài… Bực mình, anh dùng biện pháp mạnh là "tịch thu" điện thoại nhưng càng làm vậy, con càng lầm lì, không nói chuyện với ba mẹ trong nhiều ngày liền.

Vốn là người mẹ chăm sóc con rất kỹ, lo từ bữa ăn, giấc ngủ đến đưa đón đi học mỗi ngày. Vì vậy, khi con gái đòi học đại học ở TP HCM thay vì Cần Thơ, cả nhà chị Thanh Hằng (ngụ tỉnh An Giang) như có "phong ba bão táp".

Chị Hằng hết thở ngắn than dài đến khóc sưng mắt, chồng chị thì mặt nặng như chì, đùng đùng quát tháo khi con cãi lời.

"Gia đình bên nội ở Cần Thơ nên chúng tôi muốn con học ở đó, có người thân sẽ đỡ lo hơn là lên TP HCM vừa xa vừa không có ai thân quen. Lúc đầu cháu không chịu nhưng chúng tôi kiên quyết không cho nên con bé cũng xuôi theo. Giờ mới thấy quyết định của mình là sai lầm" - chị Hằng thở dài.

Minh họa AI: Vy Thư
Minh họa AI: Vy Thư

Học cách đồng hành

Học năm 2, Thu - con gái chị Hằng - nghỉ ngang. Trở về nhà, tính tình Thu hoàn toàn thay đổi. Cả ngày ru rú trong nhà, không muốn nói chuyện, tiếp xúc với người thân, sức khỏe cũng giảm sút vì ăn, ngủ ít. Bác sĩ tâm lý nói Thu có vấn đề, phải điều trị.

"Chưa biết kết quả ra sao nhưng giờ nghĩ lại, nếu ngày trước chúng tôi ngồi lại trò chuyện với con một cách thẳng thắn và bình tĩnh lắng nghe con, có lẽ mọi chuyện đã khác.

Hồi con đi học ở Cần Thơ, chị họ nó kể con tâm sự là bị ba mẹ áp đặt trong mọi việc, bất lực vì đến cả tương lai cũng không được quyết định, buồn chán vì không thực hiện được ước mơ. Nghe vậy nhưng chúng tôi cũng bỏ qua, nghĩ từ từ rồi con sẽ quen..." - chị Hằng thở dài.

Với chị Lan, khi nhận ra tình hình có vẻ không ổn, vợ chồng chị quyết định đi du lịch 2 ngày ở miền Tây. Chị kể: "Chúng tôi rủ con cùng đạp xe trong khu nghỉ mát, cùng uống cà phê… để chia sẻ hết những gì mà chúng tôi đang suy nghĩ.

Đến lúc này, thằng bé thừa nhận việc ba mẹ kiểm soát quá mức khiến nó bị áp lực, mất đi sự tự do cá nhân. Con nói không muốn bị ép buộc làm những gì ba mẹ nghĩ là tốt, muốn tự quyết định và mong muốn ba mẹ tin tưởng hơn".

Nhận ra sự phản kháng của con không phải vì con không yêu thương, tôn trọng cha mẹ, mà vì đang muốn khẳng định bản thân, muốn có tiếng nói, chịu trách nhiệm với cuộc đời mình, vợ chồng chị Lan thay đổi cách tiếp cận.

Thay vì tranh luận, họ lắng nghe nhiều hơn, đưa ra những thỏa thuận và để con tự chịu trách nhiệm với những quyết định của mình. Bây giờ, Hùng cũng biết lắng nghe một cách chủ động hơn, mối quan hệ giữa các thành viên trở nên cởi mở, gắn kết.

Sau lần trò chuyện với thầy chủ nhiệm của con, anh Minh bắt đầu tìm hiểu sâu hơn các nền tảng mạng xã hội, những nội dung mà con đang quan tâm cũng như các mối quan hệ của con… "

"Tôi đã 56 tuổi, để có thể tìm hiểu về mạng xã hội cũng rất vất vả nhưng khó hơn chính là việc làm bạn với con, cùng xem những nội dung mà con yêu thích, trao đổi những xu hướng đang nổi trên mạng xã hội… May mà con cũng nhận ra những nỗ lực của tôi mà hợp tác" - anh Minh cho biết.

Những lần chơi cùng con, anh hướng dẫn con cách sử dụng mạng thông minh, an toàn; đồng thời thống nhất nguyên tắc, thời gian sử dụng điện thoại hợp lý, không ảnh hưởng đến việc học cũng như sinh hoạt của cả nhà. Anh Minh nhận ra rằng việc cấm đoán chỉ làm tăng khoảng cách, quan trọng nhất là lắng nghe và tìm cách đồng hành cùng con.

Dù có nhiều khác biệt, gen Z vẫn luôn cần sự yêu thương và thấu hiểu từ cha mẹ. Sự đồng cảm, kiên nhẫn và sẵn sàng lắng nghe sẽ là chìa khóa xây dựng mối quan hệ gia đình bền vững, lâu dài.

Có thể bạn quan tâm