Du lịch

Bình Định nổi tiếng với món đặc sản gai góc, đặc biệt món mắm sản vật tiến vua

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nguyên liệu làm món đặc sản này là nhum biển- loại hải sản mà ngày xưa chỉ dùng để dâng bậc vua chúa, bây giờ có tiền cũng khó mua được.
Nhum - món mắm đặc sản tiến vua
Người dân Bình Định cho biết, tại vùng biển địa phương nhum biển có 4 loại là nhum đen, nhum giang, nhum bạc và nhum bắn. Trong đó, nhum đen và nhum giang là có thể chế biến đặc sản mắm nhum và nhiều món ngon có hương vị đặc biệt.

Nhum biển, đặc sản không phải có tiền lúc nào mua cũng được.
Nhum biển, đặc sản không phải có tiền lúc nào mua cũng được.
Do có vỏ hình cầu phủ đầy gai nhọn như lông nhím, dài từ 2-4cm nên nhum biển còn được gọi là cầu gai, nhím biển. Khi trưởng thành, nhum biển có đường kính khoảng 8-10cm; dày 3 - 4cm. Gai của nhum biển gây đau nhức nếu bị đâm phải.
Mắm nhum Bình Định được chế biến từ con nhum. Nhum có nhiều tên địa phương khác nhau , có nơi gọi là con chôm chôm, cầu gai, có nơi gọi là con nhím biển. Thịt nhum chế biến được nhiều món ăn tuyệt hảo như: nhum nướng, nhum sống ăn với cải bẹ xanh, tuy nhiên có lẽ mắm nhum vẫn là món được người dân địa phương yêu thích nhất.

Món ăn đặc sản của Bình Định. Ảnh: phuongmaitourist
Món ăn đặc sản của Bình Định. Ảnh: phuongmaitourist
Nguyên liệu làm mắm nhum khó tìm nên dù là một đặc sản bình định nổi tiếng nhưng món ăn này lại không được phổ biến rộng rãi. Để bắt được nhum phải là những người có nghề, bởi nhum có nhiều gai, khi bắt phải dùng một chiếc móc sắt giật khẽ nhum về phía mình, rồi nhặt bỏ vào bao. Cái khó là không được khua động mạnh, nếu không nhum sẽ bắn gai vào tay người bắt rồi bám chặt vào vách đá.
Nhum - đặc sản ngày càng khan hiếm đắt đỏ
Người dân Bình Định bộc bạch: "Ngày trước con nhum ở khu vực gành đá cách bờ biển 5-7m nhiều vô số kể. Cứ vào buổi sáng hay chiều thì người dân mang kính, giỏ ra lặn bắt về, bổ vỏ bỏ lấy thịt chế biến làm mắm nhum. Nếu có đem bán thì cũng vài chục ngàn đồng/kg nhum thịt mà thôi".

Số tiền thu nhập từ lặn bắt nhum mang lại cho người dân từ 400.000-600.000 đồng/người/ngày
Số tiền thu nhập từ lặn bắt nhum mang lại cho người dân từ 400.000-600.000 đồng/người/ngày
"Tuy nhiên gần đây, sau khi được thưởng thức và cảm nhận được vị ngon, bổ của nhum nên tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm đến mua. Vì vậy số lượng người tham gia săn bắt tăng, giá cũng tăng lên vùn vụt. Có thời điểm nhum biển lên giá khoảng 350.000 đồng/kg nhưng không có bán, có người phải đặt trước cả tuần mới mua được", người dân cho biết.
Mắm nhum dễ chế biến, tuy nhiên 100kg nhum chỉ chế biến được 2kg nhum thịt. Chính vì thế, người có tiền cũng khó có thể mua được món đặc sản hiếm có này.
Để làm mắm nhum, người ta cho thịt nhum cùng muối hạt vào một chiếc chum, vùi dưới bếp tro hoặc phơi ngoài nắng cỡ độ 15 ngày là mắm chín. Mắm chín khi mở ra sẽ hơi sệt, thơm nức mũi. Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, mắm nhum ngon nhất khi ăn cùng thịt lợn luộc, bún và rau sống. Khi miếng thịt chấm vào tô mắm có pha chút ớt, người ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt bùi đọng trên đầu lưỡi.

Mắm nhum pha cùng ớt ăn sẽ ngon hơn. Ảnh: binhdinh
Mắm nhum pha cùng ớt ăn sẽ ngon hơn. Ảnh: binhdinh
Mắm nhum có màu đỏ đục trông vô cùng hấp dẫn, chỉ nhìn thôi đủ khiến thực khách muốn nếm thử. Món ăn này không chỉ đơn giản là một món đặc sản của vùng đất Bình Định mà còn là một biểu tượng cho phong cách ẩm thực của người dân nơi đây.
Theo Hoàng Hoài (Dân Việt)
https://danviet.vn/binh-dinh-noi-tieng-voi-mon-dac-san-gai-goc-dac-biet-mon-mam-san-vat-tien-vua-20210909091237308.htm

Có thể bạn quan tâm