Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Bình Định: Vỡ ván phai, lúa non chết rũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều ngày qua, những cánh đồng lúa ở xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước, Bình Định) bị chết hàng loạt, một mùa vụ trắng tay đang cận kề. Dẫu biết đồng ruộng bị nhiễm mặn nhưng các cơ quan chức năng không khuyến cáo cũng như chưa có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn nước mặn xâm nhập ruộng lúa.
Đi qua những ngôi làng nghèo nằm ven đầm Thị Nại của xã Phước Sơn mới hiểu được nỗi lo lắng của người dân khi lúa chết. Ngoài những đồng ruộng bỏ hoang từ năm trước là những cánh đồng trơ trụi, mùi lúa non chết rục bốc lên nồng nặc.
Nông dân Huỳnh Thái Dũng (61 tuổi- ở xóm 14, thôn Dương Thiện) kể khổ: “Toàn thôn có 3 xóm (xóm 13, xóm 14 và xóm 15) nhưng chỉ những đám ruộng ở xóm 13 là thoát nạn, còn lại các cánh đồng Mả Ông Muôn, Nhà Lường, Gò Sậy… thuộc xóm 14 và 15 đều bị chết yểu. Gia đình tôi làm được 5,5 sào ruộng ở đồng Gò Sậy, xuống giống chưa được một tuần thì lúa non đã quắn đọt rồi chết thối. Cả 4 người trong gia đình đều trông chờ vào chừng ấy ruộng, giờ không làm được, chẳng biết mùa giáp hạt tới lấy gì để ăn?”.
Vỡ ván phai, nước mặn từ đầm Thị Nại tràn vào đồng ruộng thôn Dương Thiện.
Gia đình anh Trần Hữu Ngành (59 tuổi, ở thôn Dương Thiện) càng khốn khổ hơn, gieo sạ 11 sào ruộng thì giờ có 9 sào ở đồng Gò Sậy nhiễm mặn. Anh Ngành cho biết: “Vụ đông- xuân kết khúc từ tháng 2 Âm lịch, đồng ruộng đang khô nứt nẻ thì nước mặn ở đầm Thị Nại tràn vào suốt thời gian dài. Đến vụ thu này, lẽ ra trước khi sạ giống phải dẫn nước ngọt về trước để nông dân “thay chua, rửa mặn” nhưng nước ngọt khan hiếm, chỉ đủ để làm đất rồi xuống giống ngay. Gieo sạ được hai ba ngày tôi ra thăm đồng thì thấy... muối đóng lớp trên mặt ruộng!”.

Làm nhiệm vụ ngăn mặn giữa đầm Thị Nại và cánh đồng thôn Dương Thiện là bờ tràn Dương Thiện. Bờ tràn này có tất cả 153 cửa ván phai (ván gỗ dày ghép lại) thì 15 cửa đã vỡ toác, gần 140 cửa còn lại bị vênh, thủng, nước đầm Thị Nại mặc sức tràn vào. Chính quyền địa phương đã “chữa cháy” bằng cách dùng bao tải đựng cát chèn vào những nơi gỗ mục để ngăn mặn. Được một thời gian bao cát cũng mục theo và nước mặn lại tràn vào ruộng.

Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, cho hay: “Ngoài diện tích hơn 10 ha ở xóm 14 thôn Dương Thiện lúa gieo đã chết, còn có 30ha khác ở thôn Lộc Thượng và thôn Vinh Quang 2 đang bị nhiễm mặn và phèn, hạt giống cũng bị queo mầm, đang chết dần. Trước khi gieo sạ vụ thu này, được Chi cục Đê điều tỉnh hỗ trợ bao, UBND xã trích ngân sách 10 triệu đồng mua đất cát bỏ vào bao chắn các cửa phai bị vỡ nhưng không cầm cự được bao lâu. Nếu tình trạng nước mặn không ngừng xâm nhập thì thiệt hại vụ này ở Phước Sơn sẽ hơn 100ha”.
Ông Nguyễn Bay, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, cho biết: “Từ năm 2008 đến nay, năm nào tràn Dương Thiện cũng được lãnh đạo huyện Tuy Phước đưa vào kế hoạch thay ván phai bằng nhựa tổng hợp nhưng chưa làm được vì kinh phí quá lớn. Năm nay, Chi cục Đê điều Bình Định sẽ cho khảo sát toàn bộ tuyến tràn để sửa chữa lớn. Việc khôi phục tràn Dương Thiện cũng phải trông chờ vào nguồn kinh phí tu bổ đê này”.
Theo SGGP

Có thể bạn quan tâm