Chồng mất sớm, một mình chị Nguyễn Thị Nhớ (làng Poong, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) vất vả nuôi 2 đứa con. Năm 2015, chị được nhận vào làm công nhân cạo mủ của Đội sản xuất 17 (Công ty 74). Biết hoàn cảnh khó khăn của chị, đơn vị đã chủ động phân công người giúp đỡ, hướng dẫn chị cách cạo mủ, chăm sóc vườn cây. Bản thân chị cũng chăm chỉ lao động nên thu nhập ngày càng tăng.
Chị Nhớ cho hay: “Nếu không được đơn vị nhận vào làm công nhân thì tôi cũng không biết cuộc sống của mình sẽ ra sao. Nhờ được làm công nhân, chịu khó khai thác mủ, thu nhập của tôi đạt gần 10 triệu đồng/tháng. Cùng với đó, do học hỏi được nhiều kinh nghiệm nên tôi cũng chăm sóc tốt 2 ha cà phê, điều. Cuộc sống gia đình tôi giờ ổn định rồi”.
Nhờ nỗ lực phấn đấu mà năm 2022, chị Nhớ được công nhận là một trong những công nhân tiêu biểu của Binh đoàn 15.
Lãnh đạo Binh đoàn 15 tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong Tháng Công nhân năm 2023. Ảnh: V.H |
Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ-Tư lệnh Binh đoàn 15-cho biết: Những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện thắng lợi đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược là phát triển kinh tế đi đôi với giữ vững an ninh chính trị trên toàn tuyến biên giới Bắc Tây Nguyên. Theo đó, đơn vị đã mở rộng sản xuất, xây dựng hàng trăm điểm dân cư tập trung; đồng thời, tạo việc làm ổn định cho hơn 16.000 lao động, trong đó, lao động là người dân tộc thiểu số chiếm hơn 54%. Tiền lương, chế độ chính sách cho cán bộ, công nhân luôn được bảo đảm kịp thời, đầy đủ.
Hiện nay, Binh đoàn có 11 bệnh xá và 1 bệnh viện để chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, người lao động và người dân trên địa bàn. Để nâng cao đời sống người lao động, các đơn vị trong Binh đoàn chủ trì, phối hợp phát động nhiều phong trào, mô hình sáng tạo như: “Vườn rau gắn kết”, “Hũ gạo gắn kết”, Quỹ “Tấm lòng nhân ái”, “Thắp sáng đường quê”...
Qua đó, Binh đoàn đã hỗ trợ người dân trên 180,6 tấn gạo, 4.500 m3 nước sinh hoạt thời điểm giáp hạt, hạn hán; xây dựng hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa, nhà “Đại đoàn kết”, nhà “Mái ấm Công đoàn” tặng công nhân, người lao động và hộ nghèo. Đặc biệt, mô hình “gắn kết hộ” giữa hộ gia đình công nhân người Kinh với hộ gia đình người dân tộc thiểu số đã mang lại hiệu quả cao. Đến nay, Binh đoàn đã có hơn 4.000 cặp hộ gắn kết. Các hộ gắn kết đã trao đổi kiến thức, kinh nghiệm phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống, đồng thời thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, sự gắn bó máu thịt quân dân nói chung, người Kinh với người dân tộc thiểu số nói riêng.
Bên cạnh chăm lo đời sống cho đội ngũ công nhân, người lao động, Binh đoàn đã cử nhiều đợt cán bộ kỹ thuật xuống các buôn làng hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ vốn, giống giúp bà con làm kinh tế. Đặc biệt, Binh đoàn đã cho 700 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn mượn hàng ngàn héc ta đất tái canh cây cao su để trồng lúa. Nhờ đó, hàng trăm hộ gia đình đã thoát nghèo.
Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ chia sẻ: “Bên cạnh việc chăm lo đời sống của người lao động trong đơn vị, chúng tôi còn hỗ trợ người dân và chính quyền địa phương xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Hàng năm, đơn vị đều trích kinh phí hàng chục tỷ đồng để thăm hỏi, tặng quà cho công nhân viên, người lao động và người dân trên địa bàn; hỗ trợ chính quyền địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà cho hộ nghèo. Nhờ đó, mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương với các đơn vị luôn được thắt chặt”.