Thời sự - Bình luận

Bít kẽ hở quyền lợi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
BHXH Việt Nam vừa có đề xuất tăng 8% lương hưu từ ngày 1-7, dựa trên mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2023 là 3,25% và tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 5,05%.

Theo lý giải của cơ quan này, mức tăng trên sẽ giảm bớt chênh lệch giữa người hưởng lương hưu trước và sau cải cách tiền lương (dự kiến từ ngày 1-7 sắp tới).

Hiện cả nước có gần 3,4 triệu người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp BHXH hằng tháng. Dự báo từ ngày 1-7, tiền lương đóng BHXH của người lao động (NLĐ) khu vực nhà nước tăng lên theo cải cách tiền lương, khoảng 55% so với năm 2023.

Nếu đề xuất tăng lương hưu 8% được thông qua, trong 6 tháng cuối năm 2024, ngân sách nhà nước chi cho lương hưu, trợ cấp BHXH tăng khoảng 1.900 tỉ đồng. Nếu bổ sung người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng sau khi điều chỉnh 8% vẫn dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì kinh phí tăng thêm khoảng 50 tỉ đồng, quỹ BHXH bội chi khoảng 6.900 tỉ đồng (chưa gồm mức trích đóng bảo hiểm y tế).

Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đưa ra đề xuất tăng lương hưu thêm 15% để bảo đảm đời sống người thụ hưởng. Hiện nay, những người đang nhận lương hưu thấp chủ yếu là nhóm nghỉ hưu trước ngày 1-1-1995 và nhóm lao động đang đóng BHXH với mức lương đóng thấp. Cân nhắc giữa hai mức đề xuất và thực tế lương hưu hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng ít nhất phải tăng lên 10% cho những người đang nhận lương hưu thấp nói trên.

Ngoài lương hưu, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cũng là vấn đề quyền lợi đáng quan tâm. Năm 2023, có hơn 1,1 triệu NLĐ nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có hơn 1 triệu người có quyết định hưởng chế độ này.

Nhưng chiếc giá đỡ BHTN vẫn chưa "hứng" hết đối tượng đáng được thụ hưởng, vẫn còn những kẽ hở trong chính sách này đối với một số đối tượng. Trong dự thảo tờ trình dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ LĐ-TB-XH đề xuất mở rộng thêm ba nhóm đối tượng tham gia BHTN. Đó là NLĐ có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên; người làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương.

Nếu được thông qua, đây sẽ là những tin vui đối với người thụ hưởng. Những lúc khó khăn nhất, những đối tượng xã hội đều được quan tâm chăm sóc. Chẳng hạn trong đại dịch COVID-19, thực hiện Nghị quyết 03, Nghị quyết 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng từ Quỹ BHTN, đã có hơn 346.000 đơn vị với gần 12 triệu lao động được giảm đóng BHTN khoảng 9.211 tỉ đồng; hỗ trợ gần 13 triệu lao động với số tiền hơn 30.800 tỉ đồng theo Nghị quyết 03; riêng thực hiện Nghị quyết 24 đã hỗ trợ 365.215 người với số tiền hơn 1.034 tỉ đồng.

Việc điều chỉnh kịp thời các chính sách về lương hưu, BHTN không chỉ thể hiện sự tiến bộ trong chính sách an sinh xã hội, mà còn là sự động viên và bảo đảm công bằng với người thụ hưởng.

Có thể bạn quan tâm