Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Bỏ biên chế suốt đời,đại biểu lo công chức bị sa thải 'vô tội vạ'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo đại biểu Bùi Văn Xuyền, nếu bỏ biên chế suốt đời, 3 năm lại xét hợp đồng, thì sẽ tạo ra tâm lý lo lắng cho người lao động, luôn ở trong tư thế "sẵn sàng" bị sa thải.
Chiều 24/5, Quốc hội nghe Chính phủ trình Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, sau đó các đại biểu thảo luận ở tổ về nội dung này.
Dự thảo luật lần này hướng đến một số nội dung đáng chú ý như bỏ biên chế suốt đời, quy định kỷ luật với cán bộ đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác…
Công chức có thể bị sa thải bất cứ lúc nào
Thuộc cơ quan thẩm tra luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền cho biết các nội dung đáng chú ý nêu trên được xây dựng trên tinh thần của nghị quyết Trung ương.
Đề cập đến quy định về hợp đồng lao động có thời hạn thay vì vô thời hạn như hiện tại, tiến tới bỏ biên chế suốt đời, theo ông Xuyền, quy định này nhằm cụ thể hóa nghị quyết của Trung ương về đổi mới tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức…
Song, ông vẫn bày tỏ băn khoăn vì đó là một trong những chế định trong Bộ luật Lao động về bảo vệ sự yếu thế của người lao động trước người sử dụng lao động. Trong khi đó, Bộ luật Lao động đã có hiệu lực từ lâu và trong quá trình thực hiện, không có vướng mắc. Nếu đặt vấn đề bỏ biên chế suốt đời thì cán bộ công chức, viên chức không yên tâm làm việc.
 
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền. Ảnh: Bá Chiêm.
“Nếu cứ 3 năm lại xét hợp đồng một lần sẽ tạo ra tâm lý lo lắng cho người lao động, không biết mình còn làm việc đấy nữa không. Tức là người lao động luôn ở trong tư thế 'sẵn sàng' bị sa thải', ông Xuyền giải thích và cho rằng quy định như vậy rất dễ đặt người lao động vào thế yếu.
Dù ban soạn thảo lý giải quy định để khắc phục tình trạng công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp về", không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không xử lý được, ông Xuyền cho là phải tính toán kỹ lưỡng. Một khi vẫn quy định theo hướng này thì cần đi kèm điều kiện ràng buộc để người sử dụng lao động không thể sa thải người lao động vô tội vạ.
Theo lý giải của ban soạn thảo, việc quy định tiến tới bỏ biên chế suốt đời là để chấm dứt tình trạng công chức, viên chức “có vào, không có ra” và rất khó để loại cán bộ năng lực yếu ra khỏi bộ máy.
Nhìn nhận dưới góc độ của cơ quan thẩm tra, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật thừa nhận khâu đánh giá cán bộ lâu nay còn yếu. Thực tế có những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không bị đánh giá đúng do còn tâm lý nể nang.
Ông Xuyền đề nghị giải pháp chú trọng công tác đánh giá cán bộ, làm một cách thực chất, công bằng, thực hiện nghiêm cơ chế sàng lọc những người không đủ trình độ, năng lực.
Kỷ luật cán bộ về hưu - "đánh" vào danh dự
Đề cập đến một quy định đáng chú ý khác là kỷ luật cán bộ đã nghỉ hưu, ông Xuyền nhận định điều này không tác động nhiều về vật chất, nhưng về tinh thần, danh dự thì ảnh hưởng nhiều, nhất là với cán bộ cấp cao.
Theo ông, quy định nhằm ngăn ngừa người có chức, có quyền vi phạm trong thời gian đương chức. Khi được luật hóa, bản thân cán bộ khi còn giữ cương vị sẽ ý thức tốt hơn việc phải giữ gìn, không thể đến thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ” lại “thích làm gì thì làm”.
“Vừa rồi, một số cán bộ cấp cao như ông Vũ Huy Hoàng cũng bị áp dụng hình thức kỷ luật này và nó tạo ra sự răn đe nhất định. Tôi cho rằng đó là một biện pháp ngăn chặn tích cực, có hiệu quả”, ông Xuyền đánh giá.
Hoài Vũ (Zing.vn)

Có thể bạn quan tâm