Thời sự - Sự kiện

Thời sự trong nước

Bộ Công an thu giữ hàng trăm tỉ đồng của cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thu giữ hơn 187 tỉ đồng của bị can Trịnh Văn Quyết, cựu chủ tịch Tập đoàn FLC, đồng thời kê biên 3 thửa đất và tài sản gắn liền với đất ở Hà Nội

Như Báo Người Lao Động vừa thông tin, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa đề nghị truy tố bị can Trịnh Văn Quyết, cựu chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC); Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga (cùng em gái ông Quyết) và Hương Trần Kiều Dung, cựu phó chủ tịch Tập đoàn FLC, về tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, có 16 bị can khác bị đề nghị truy tố tội Thao túng thị trường chứng khoán theo khoản 2 Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bị can Trịnh Văn Quyết thời điểm chưa bị khởi tố.

Bị can Trịnh Văn Quyết thời điểm chưa bị khởi tố.

Trong quá trình điều tra, Bộ Công an đã thu giữ hơn 187 tỉ đồng là số tiền mà bị can Trịnh Văn Quyết có được từ việc chuyển nhượng 40,59% cổ phần BAV; kê biên của bị can Quyết 3 thửa đất và tài sản gắn liền với đất tại Khu Đô thị mới Mỹ Đình II, Hà Nội. Trong đó 1 thửa có diện tích 799,6 m2, hai thửa còn lại đều có diện tích 199,9 m2.

Đối với bị can Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết, cựu kế toán tổng hợp của Công ty CP Tập đoàn FLC), Cơ quan điều tra đã kê biên 4 thửa đất và tài sản gắn liền với đất gồm: 158,3 m2 nhà đất tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội; 3 thửa đất tại Khu Đô thị mới Mỹ Đình II, Hà Nội (trong đó 2 thửa có diện tích 200 m2, 1 thửa có diện tích 125,3 m2).

Bị can Trịnh Thị Thúy Nga (em gái ông Quyết, cựu phó tổng giám đốc Công ty CP chứng khoán BOS) bị kê biên: 2 thửa đất và tài sản gắn liền với đất tại Khu Đô thị mới Mỹ Đình II, Hà Nội. Trong đó 1 thửa có diện tích 193,1 m2; 1 thửa có diện tích 165 m2.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có công văn gửi Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, ngăn chặn giao dịch (khóa chiều ghi nợ) đối với tài khoản đứng tên các cá nhân, gồm: Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Thị Minh Huế, Hương Trần Kiều Dung (cựu phó chủ tịch Thường trực Công ty CP Tập đoàn FLC, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP chứng khoán BOS) và 45 cá nhân cho bà Huế mượn tài khoản chứng khoán/tài khoản ngân hàng.

Cơ quan điều tra cũng có công văn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan tạm dừng biến động (giao dịch chuyển nhượng mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp…) đối với tài sản (bất động sản, cổ phần/ vốn góp, cổ phiếu…) đứng tên bị can Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga.

Theo kết luận, bị can Trịnh Văn Quyết chỉ đạo người thân, nhân viên và các công ty con, sử dụng khoản chứng khoán để "thổi giá" các mã AMD, HAI, GAB, FLC, ART; qua đó hưởng lợi bất chính 723 tỉ đồng. Ngoài ra, ông Quyết còn "phù phép", nâng khống vốn của Công ty CP Xây dựng Faros từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng. Sau đó, cựu chủ tịch FLC đề nghị đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS của Công ty CP Xây dựng Faros trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM để bán, chiếm đoạt 3.620 tỉ đồng của các nhà đầu tư. Số tiền thu lợi bất chính, bị can Trịnh Văn Quyết dùng để mua cổ phần tại hãng hàng không Bamboo Airways; trả nợ; gửi vào tài khoản chứng khoán và chi tiêu cá nhân…

Có thể bạn quan tâm