Bộ Công thương đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải rà soát, phúc tra với khách hàng có lượng điện sử dụng tăng từ 30% trở lên. EVN cũng khẳng định sẽ sớm trình Chính phủ sửa biểu giá điện mới vào quý 3-2020.
Đồ họa: T.ĐẠT |
Trả lời Tuổi Trẻ, ông NGUYỄN ANH TUẤN - cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) - cho biết số liệu từ EVN cho thấy đã có hơn 3,1 triệu khách hàng (chiếm 11,92%) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4-2020. Riêng 20 ngày đầu tháng 6-2020, con số này tăng lên 7,22 triệu khách hàng.
* Có hơn 7 triệu hộ sử dụng điện tăng thêm 30% so với tháng trước. Đặc biệt là có nhiều vụ việc ghi sai chỉ số côngtơ, tính nhầm tiền điện cho khách lên tới hàng chục lần. Với vai trò cơ quan giám sát, quản lý ngành điện, Bộ Công thương đã làm gì?
- Bộ Công thương đã yêu cầu EVN chỉ đạo các đơn vị phân phối, bán lẻ điện thực hiện nâng cao công tác dịch vụ khách hàng, chủ động giải quyết triệt để thắc mắc, khiếu nại của các khách hàng về hóa đơn tiền điện và thông báo kết quả giải quyết đến khách hàng sử dụng điện. Kết quả giải quyết này phải được đăng công khai trên website của tập đoàn và các tổng công ty điện lực.
Bộ cũng yêu cầu EVN chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm chỉnh việc kiểm tra, phúc tra hóa đơn có chỉ số điện tăng từ 30% trở lên so với tháng trước. Khi phúc tra, kiểm tra nếu phát hiện có sai thì phải hiệu chỉnh hóa đơn trước khi phát hành hoặc truy thu, thoái hoàn hóa đơn tiền điện cho khách hàng.
Với những trường hợp có ý kiến thắc mắc của khách hàng về hóa đơn tiền điện nêu trên các phương tiện truyền thông, trang thông tin cá nhân, chúng tôi cũng yêu cầu lãnh đạo các tổng công ty điện lực, các công ty điện lực phải trực tiếp xem xét giải quyết và cung cấp đầy đủ thông tin xử lý cho các cơ quan truyền thông, khách hàng.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng yêu cầu tăng cường, phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra và giải quyết các vụ việc về áp giá bán lẻ điện cho sinh viên, người lao động thuê nhà ở. Trong đó chỉ đạo các sở công thương xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp chủ nhà thu tiền điện cao hơn so với quy định.
* Nhiều người dân băn khoăn tại sao biểu giá tính tiền điện bộc lộ bất cập nhưng Bộ Công thương lại chậm sửa đổi. Ông lý giải ra sao?
- Thời gian qua, Bộ Công thương đã triển khai nghiên cứu, sửa đổi biểu giá bán lẻ điện và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong quý 3-2020.
Cụ thể, theo quyết định 28-2014 của Thủ tướng Chính phủ, giá bán lẻ điện được quy định cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện bao gồm: sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp và sinh hoạt.
Trên cơ sở thực tế tiêu thụ điện của các khách hàng sinh hoạt trong các năm 2015 - 2019, Bộ Công thương đã nghiên cứu, xây dựng 5 phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện và lấy ý kiến các bộ ngành, đoàn đại biểu Quốc hội và các hiệp hội.
Đến nay, bộ đã nhận được ý kiến góp ý, các cơ quan, đơn vị đều thống nhất về sự cần thiết phải tiếp tục áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt theo bậc thang nhưng cần thiết phải cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt.
Tiếp thu ý kiến đề xuất của bộ ngành và địa phương, Bộ Công thương đang hoàn chỉnh các phương án sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Dự kiến trong tháng 7 và tháng 8-2020, Bộ Công thương sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các khách hàng sử dụng điện, các bộ ngành và tổ chức hiệp hội ngành hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trên trang web của Bộ Công thương, EVN và các đơn vị điện lực.
Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý, bộ sẽ hoàn chỉnh phương án sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong quý 3-2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng.
|
Theo N.AN (thực hiện/TTO)