Giáo dục

Tin tức

Bộ GD-ĐT cần có chỉ đạo rõ: Lớp 1 có học trực tuyến hay không?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đại diện Bộ GD-ĐT thì khẳng định học sinh lớp 1 rất đặc thù, cần được đến trường học tập, tương tác trực tiếp với giáo viên, bạn bè nhưng hàng loạt các nhà trường và địa phương vẫn cho lớp 1 học trực tuyến.

Học sinh lớp 1 trong giờ học trực tuyến- ẢNH TRƯỜNG N.S


Mỗi nơi cho học sinh lớp 1 tựu trường một kiểu

Theo khung thời gian năm học, ngày hôm nay, 23.8, là thời điểm sớm nhất các địa phương có thể cho học sinh lớp 1 tựu trường, các khối lớp còn lại là 1.9.

Lý giải điều này, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết: đối với lớp 1, khung kế hoạch thời gian năm học năm nay được nới rộng hơn. Trong khi các lớp học khác tựu trường sớm nhất vào ngày 1.9 thì lớp 1 được phép tựu trường sớm nhất từ ngày 23.8, tăng 2 tuần học tập so với các lớp khác. Điều này nhằm tạo thuận lợi cho các em từ bậc mầm non chủ yếu là vui chơi khi chuyển sang bậc học mới sẽ có thời gian làm quen nề nếp, trường lớp, chuẩn bị tâm thế để việc học tập chương trình mới được tốt nhất.

Một số địa phương như Phú Thọ, Lai Châu, Cao Bằng… đã cho học sinh lớp 1 tựu trường sớm để làm quen từ hôm nay.

Tuy nhiên, không ít địa phương như Bắc Ninh, Hải Dương, Đắk Lắk, Hà Tĩnh... và một số huyện của Bắc Giang đã phải lùi việc cho học sinh lớp 1 tựu trường vào ngày 23.8 do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.


Tỉnh Hưng Yên dự kiến cho học sinh lớp 1 tựu trường vào ngày 25.8 và ưu tiên khối lớp này đến trường học tập trực tiếp, các khối lớp khác sẽ học trực tuyến.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hưng Yên cho biết, đối với lớp 1, các trường sẽ tổ chức tựu trường cho các em theo hình thức trực tiếp, đảm bảo giãn cách xã hội, kết hợp dạy học trực tiếp và học trực tuyến. Ngành GD-ĐT sẽ xây dựng kịch bản tốt nhất cho việc tựu trường của học sinh lớp 1 để triển khai hướng dẫn các đơn vị, trường học thực hiện.


Trong khi đó, tại Hà Nội, hầu hết các trường tư thục đã tổ chức tựu trường và dạy học trực tuyến cho tất cả các khối lớp, kể cả lớp 1.

Các trường công lập cũng báo cáo với Sở GD-ĐT là “sẵn sàng dạy trực tuyến, kể cả với lớp 1”. Hầu hết đều lên phương án sẽ dạy học trực tuyến vào khung giờ buổi tối các ngày trong tuần để có bố mẹ hỗ trợ về thiết bị, máy móc cũng như hướng dẫn con làm theo các yêu cầu của con.
Thực tế, không ít trường ở khu vực ngoại thành cũng chia sẻ thực tế phải có máy móc, kết nối mạng và kèm cặp hướng dẫn của bố mẹ ở khu vực nông thôn sẽ không phải là điều dễ thực hiện ở phần lớn gia đình học sinh.

Phát biểu tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm học với giáo dục tiểu học sáng nay, 23.8, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng ngày 6.9 là hết hạn áp dụng giãn cách xã hội lần thứ 3 theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng, nếu tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội được kiểm soát thì học sinh cũng chưa thể đến trường ngay.
Do vậy, theo ông Tiến, các nhà trường cần xác định việc tổ chức dạy học trực tuyến với tất cả các khối lớp là giải pháp ổn định trong thời gian đầu của năm học 2021 - 2022.

Tuy nhiên, việc xây dựng phương án dạy học trực tuyến sao cho hiệu quả là vấn đề cần quan tâm, nhất là với học sinh lớp 1. Ông Tiến cho biết Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết tới các nhà trường. Tinh thần chung là các trường họp thống nhất với phụ huynh học sinh về khung giờ học, các hình thức trao đổi, hỗ trợ học sinh; dành từ 7 đến 10 buổi đầu để học sinh làm quen với hình thức học trực tuyến, tương tác với cô, với bạn... sau đó mới triển khai kế hoạch học tập.

Trong quá trình triển khai, các trường lưu ý lựa chọn nội dung học tập phù hợp với học sinh ở địa bàn mình, những nội dung chưa thể triển khai sẽ thực hiện bổ sung khi học sinh quay trở lại trường học.


 

Việc dạy học trực tuyến với lớp 1 đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của cha mẹ học sinh - ẢNH TRƯỜNG N.S


Phụ huynh muốn con được đến trường đúng nghĩa

Nhiều phụ huynh có con vào lớp 1 năm nay buộc phải theo lịch của nhà trường nhưng trong lòng đầy bất an khi con lần đầu tiên đi học với hình thức trực tuyến, trong khi điều quan trọng nhất của lớp 1 trong những buổi đầu tiên là được làm quen với việc thay đổi môi trường học tập.

Có con học trực tuyến lớp 1 từ ngày 3.8 ở một trường tư thục, chị M.L kể đầy ngao ngán: "Ngày tựu trường trực tuyến, trên màn hình cô giáo "bắn" lên các dòng chữ kín đặc màn hình, kiểu như: hân hoan chào đón các con vào lớp 1, chúc các con một năm học thật thành công... trong khi các cháu lớp 1 đã biết đọc đâu".

Chị Lê Hoài Thu, một phụ huynh ở Hà Nội có con vào lớp 1 năm học này băn khoăn khi con chị tựu trường trực tuyến vào một trường tư thục từ hôm nay: “Tôi cũng như không ít phụ huynh muốn lùi hẳn lịch học, sang tháng 10, khi nào kiểm soát được dịch cũng được. Học thì còn học cả đời, nhanh chậm mấy tháng cũng chẳng hơn được gì".

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, chưa biết bao giờ học sinh có thể đến trường, thậm chí có phụ huynh còn lên nhóm dành cho phụ huynh có con vào lớp 1, chia sẻ: “Có nên cho con ở nhà, học chậm một năm để hy vọng năm sau dịch bệnh kiểm soát, cháu được đến trường còn hơn học trực tuyến mà như… không học gì”…

Có bố mẹ thì tình toán: đã đăng ký cho con học một trường tư thục với học phí gần chục triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nếu phải học trực tuyến thì thà rằng chuyển con về trường công lập đúng tuyến, học phí hầu như không phải đóng mà chất lượng dạy học trực tuyến giữa trường công với trường tư không có chênh lệch đáng kể.

Theo vị phụ huynh này, lợi thế của các trường tư là giáo dục toàn diện, các con đến trường được tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm lớp học ít học sinh, chất lượng ăn ngủ bán trú tốt… Tất cả những điều đó nếu học trực tuyến kéo dài thì sẽ vô nghĩa. Trong khi các trường chỉ giảm trừ khoảng 20 - 30% học phí so với việc học trực tiếp.

Bộ GD-ĐT cần có chỉ đạo rõ ràng

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), từng trả lời phóng viên Thanh Niên: “Học sinh lớp 1 rất đặc thù khi chưa biết đọc, viết, giáo viên buộc phải tương tác trực tiếp, “cầm tay, nắn chữ” để dạy những chữ cái, chữ số đầu tiên cho các em. Việc dạy học trực tuyến không thể áp dụng máy móc khiến học sinh bị thiệt thòi.

Trong mọi trường hợp, chúng ta phải đặt an toàn của học sinh lên trên hết nhưng song song với đó cần đảm bảo quyền lợi được học tập một cách có chất lượng cho các em. Quan trọng nhất là làm thế nào để học sinh lớp 1 được tương tác trực tiếp nhiều nhất với thầy cô giáo”.

Do vậy, theo ông Tài những địa phương đang an toàn về dịch có thể tổ chức cho các em tới trường làm quen nề nếp, học tập và tương tác trực tiếp với giáo viên trong điều kiện phòng chống dịch bệnh. Những địa phương không thể tập trung được hết học sinh tới trường thì có thể thực hiện “tập trung kiểu giãn cách”, ví dụ chia nhỏ quy mô lớp để đảm bảo giãn cách và ưu tiên phòng học cho học sinh lớp 1.


 

Học sinh lớp 1 rất đặc thù, cần được đến trường để tương tác trực tiếp với bạn bè, thầy cô. ẢNH TUỆ NGUYỄN


Ông Tài còn cho biết, trường hợp bất khả kháng, các địa phương có thể căn cứ tình hình thực tế diễn biến dịch và thẩm định đã cho phép trong khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ GD-ĐT để quyết định thời điểm cho học sinh lớp 1 đi học. Thời điểm này có thể muộn hơn mốc 5.9.

“Trong trường hợp đã áp dụng linh hoạt các biện pháp, sử dụng hết 15 ngày theo thẩm quyền cho phép, mà địa bàn nào đó vẫn không thể cho học sinh kết thúc năm học, thì địa phương báo cáo Bộ GD-ĐT kế hoạch thực hiện của mình, để có hướng dẫn việc nới khung cho riêng lớp 1 cần ưu tiên học trực tiếp này”, ông Tài khẳng định.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT chưa có bất cứ văn bản nào hướng dẫn cụ thể về việc bắt đầu năm học mới ra sao với lớp 1. Ngay cả việc buộc phải bắt đầu năm học trực tuyến thì với lớp 1 thì có nên dạy học theo tiến độ chương trình như học trực tiếp hay không cũng là nội dung cần có hướng dẫn từ cơ quan chuyên môn.

Việc tính toán mọi giải pháp để cho học sinh lớp 1 được đến trường học trực tiếp như ông Tài chia sẻ ở trên mới dừng ở “lời khuyên” nên mỗi địa phương, mỗi nhà trường vẫn đang áp dụng một cách. Nhiều nơi vẫn sẽ dạy học trực tuyến với lớp 1 cho kịp “khung” năm học.

Theo Tuệ Nguyễn (TNO)

Có thể bạn quan tâm