Theo đó, mục tiêu cụ thể đề ra là 100% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được tuyên truyền nâng cao nhận thức về đào tạo và phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên và học sinh, sinh viên trong các cơ sở GDNN.
Tạo điều kiện cho khoảng 150 lượt lãnh đạo quản lý, nhà giáo trong các cơ sở GDNN được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn các kiến thức, kỹ năng mềm nhằm nâng cao năng lực và hình thành đội ngũ nhà giáo, chuyên gia đào tạo và phát triển kỹ năng mềm. Tham gia mô hình thí điểm đào tạo, phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên, học sinh, sinh viên tại cơ sở GDNN theo hướng dẫn của Tổng cục GDNN (nếu được lựa chọn).
Ngoài ra, phấn đấu đến hết năm 2030, 100% các trường cao đẳng và 50% các trung tâm GDNN tổ chức đào tạo, lồng ghép đào tạo, phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên và học sinh, sinh viên GDNN. Hình thành mạng lưới, liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở GDNN trong việc đào tạo và phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên và học sinh, sinh viên trong các cơ sở GDNN.
Tại Kế hoạch này, UBND tỉnh cũng đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để tập trung triển khai thực hiện Đề án.
Cụ thể: đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của thanh niên, học sinh, sinh viên, đội ngũ lãnh đạo quản lý, nhà giáo và các cơ quan, tổ chức về đào tạo và phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên, học sinh, sinh viên; nâng cao năng lực đội ngũ lãnh đạo quản lý, nhà giáo làm công tác đào tạo và phát triển kỹ năng mềm; tham gia mô hình, thí điểm đào tạo và phát triển kỹ năng mềm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo và phát triển kỹ năng mềm; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong đào tạo và phát triển kỹ năng mềm; tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong các hoạt động đào tạo và phát triển kỹ năng mềm và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch này đảm bảo thực chất, hiệu quả.