Giáo dục

Bỏ quy định cộng điểm nghề xét tốt nghiệp THPT, vì sao?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Dự thảo có nhiều điểm mới, trong đó có thay đổi đáng chú ý là không còn quy định về cộng điểm học nghề trong xét tốt nghiệp THPT. Xung quanh vấn đề này hiện có hai luồng ý kiến ủng hộ và không ủng hộ.

Có ý kiến cho rằng nếu bỏ cộng điểm cho học sinh học nghề sẽ đi ngược lại với việc khuyến khích phân luồng, giáo dục nghề nghiệp; có nguy cơ làm giảm đi số lượng học sinh đăng ký học nghề, từ đó công tác phân luồng, giáo dục nghề nghiệp sẽ gặp khó khăn.

Thực tế điều này diễn ra thế nào?

Học nghề để được cộng điểm là chính

Thực tế, việc học sinh học nghề hiện nay không phải vì mục tiêu phân luồng, hướng nghiệp để tiếp cận sớm với các nghề mà các em đã học, mà mục đích chính là để được cộng điểm khi xét tốt nghiệp THPT.

Để thuyết phục được dư luận, Bộ GD-ĐT cần thống kê có bao nhiêu học sinh THPT tiếp tục học nghề hay vận dụng nghề đã học vào cuộc sống sau khi tốt nghiệp THPT để đánh giá mục tiêu học nghề có đạt được mục đích phân luồng, tiếp cận định hướng nghề nghiệp như đặt ra hay không? Thực tế việc học nghề của học sinh không thật sự đạt hiệu quả như mong muốn.

Học sinh chỉ học những nghề dễ cộng điểm còn những nghề khác thì rất ít hoặc không có học sinh học do khó có điểm cao khi thi nghề. Bên cạnh đó, học sinh cũng không được chọn học nghề theo sở thích năng lực mà chỉ học những nghề trường (trung cấp nghề) có dạy mà thôi.

Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 không còn quy định về cộng điểm học nghề trong xét tốt nghiệp THPT. ẢNH MINH HỌA: MỸ QUYÊN
Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 không còn quy định về cộng điểm học nghề trong xét tốt nghiệp THPT. ẢNH MINH HỌA: MỸ QUYÊN

Chưa kể học sinh nam, nữ đều học chung một nghề trong khi nhu cầu và năng lực của mỗi học sinh là khác nhau, các em nữ thiên về nghề làm bánh kem, cắm hoa, nấu ăn, may… nhưng nhiều trường không tổ chức dạy. Ngược lại, học sinh nam thì nghiêng về nghề tin, điện, sửa chữa thì trường không có dạy.

Điều đáng nói, những nghề này sau khi thi xong thì học sinh không quan tâm đến mà chỉ lo tiếp tục học, ôn luyện các môn văn hóa để thi tốt nghiệp THPT và có cơ hội vào học đại học. Rất ít học sinh tiếp tục học phát triển nghề nghiệp đã được học ở THPT vì như đã nói là học nghề để được cộng điểm là chính.

Không cộng điểm nhằm tạo sự công bằng

Còn việc tổ chức dạy và thi nghề có đảm bảo chất lượng, thật sự khách quan, nghiêm túc không?

Thực tế hiện nay nhiều trường nghề hiện nay cơ sở vật chất còn hạn chế, không ít giáo viên dạy nghề chưa có chứng chỉ nghề phù hợp với việc giảng dạy. Do vậy, dẫn đến lãng phí tiền bạc và thời gian của các em khi tham gia học nghề.

Trong khi đó những học sinh không học nghề thì bị thiệt thòi khi xét tốt nghiệp THPT (vì không có điểm nghề). Hiện nay, phụ huynh cũng không muốn con mình học nghề vì ảnh hưởng đến việc học văn hóa, nhưng nếu không học thì sẽ thiệt thòi khi xét tốt nghiệp THPT. Vậy là dù muốn hay không, học sinh "đua" nhau đi học nghề để có điểm và 100% học sinh thi nghề đều được cộng điểm bởi rất hiếm học sinh rớt khi thi nghề.

Với thực tế nói trên, Bộ GD-ĐT có lý do bỏ quy định cộng điểm nghề trong xét tuyển tốt nghiệp THPT. Biết rằng, học nghề là cần thiết trong tình hình "thừa thầy thiếu thợ" hiện nay, nhưng đối với học sinh đang học văn hóa có cần thiết phải học nghề? Trong khi các em đang học văn hóa với chương trình không phải nhẹ và theo tổ hợp môn định hướng cho nghề nghiệp nên việc cộng điểm học nghề là không cần thiết.

Học sinh nào thích học nghề thì tự nguyện đăng ký học, có như vậy mới phát huy năng lực nghề của các em. Bên cạnh đó, không cộng điểm nghề trong xét tuyển tốt nghiệp THPT nhằm tạo sự công bằng trong xét tuyển dựa trên nền tảng kiến thức văn hóa, không để học sinh "rớt" vì không có điểm nghề.

Nguyễn Văn Lực (Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)

(Dẫn nguồn TNO)

Có thể bạn quan tâm