Dịch bệnh kéo dài, hàng loạt trường học phải giải thể, rao bán trường. Trước thực trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã rà soát, đánh giá thực trạng và nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Nhưng đến hiện tại, giáo viên, cơ sở mầm non tư thục vẫn chưa biết cụ thể mình sẽ được hỗ trợ gì, như thế nào để có thể bám trụ được với nghề.
Mầm non tư thục chịu ảnh hưởng nặng nề
Sau thời gian dài trẻ em mầm non nghỉ ở nhà phòng chống dịch, các cơ sở giáo dục mầm non tư thục không có nguồn thu nhưng lại phải gánh đủ loại chi phí như tiền tiền thuê nhà, mặt bằng, hỗ trợ chi trả lương cho nhân viên trực tại trường, một phần thu nhập cho giáo viên để ổn định cuộc sống và giữ chân họ khi trường học mở cửa trở lại.
Giáo viên mầm non tư thục bán rau kiếm sống trong những ngày trường học đóng cửa. Ảnh: NVCC. |
Nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không thể trả lương cho người lao động khiến đời sống giáo viên hết sức khó khăn. Nhiều giáo viên phải chuyển sang các công việc khác.
Sau thời gian dài cầm cự, hàng loạt chủ trường mầm non tư thục dọc khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam phải đồng loạt rao bán trường, “sang nhượng” giáo viên và cả học trò.
Các cô giáo nhóm mầm non tham gia nấu cơm cho những người bị mắc kẹt ở Hà Nội thời điểm dịch bệnh bùng phát. Ảnh: NVCC. |
Theo kết quả rà soát của Bộ GDĐT, khoảng 111.423 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở giáo dục tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19.
2.310 trường mầm non, tiểu học ngoài công lập và 11.210 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập thuộc đối tượng cần hỗ trợ tín dụng.
Kết quả khảo sát cho thấy 95,2% cơ sở giáo dục mần non tư thục không có doanh thu trong nhiều tháng (đa phần là 6 tháng trở lên), 81,6% cơ sở không trả được lương cho giáo viên.
Giáo viên đợi chính sách cụ thể
Theo ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ giáo dục Mầm non (Bộ GDĐT) - các cơ sở giáo dục ngoài công lập đang gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí để chi trả cho đội ngũ và các chi phí khác để duy trì hoạt động của trường. Điều này dẫn tới nguy cơ giáo viên mầm non chuyển đổi nghề nghiệp, bỏ việc, nhiều đơn vị phải dừng hoạt động, thậm chí đứng trước khả năng phải giải thể.
Ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GDĐT). Ảnh: Thế Đại |
Dịch bệnh đã kéo dài, hàng loạt số liệu thống kê cho thấy giáo viên mầm non, cơ sở giáo dục mầm non tư thục ảnh hưởng nặng nề, đứng trước nguy cơ giải thể. Khi được hỏi về giải pháp để hỗ trợ cơ sở mầm non tư thục, giữ chân giáo viên mầm non bám trụ với nghề, ông Minh cho biết:
"Hiện tại, Bộ GDĐT đang phối hợp với các bộ, ban, ngành để đề xuất lên Chính phủ những chính sách hỗ trợ cụ thể. Chính sách cụ thể như thế nào thì phải đợi Chính phủ ban hành" - ông Minh cho biết.
Ông Minh cũng nói thêm, Bộ GDĐT đã đề xuất lên Chính phủ 2 giải pháp. Thứ nhất là đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ để duy trì công việc, tránh bỏ việc đối với cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên mầm non, tiểu học (cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên) tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đã được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập và cấp phép hoạt động theo đúng quy định, phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở giáo dục tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19...
Giải pháp thứ hai là đưa vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chính sách hỗ trợ số hóa; chính sách ưu đãi tín dụng để các cơ sở giáo dục sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, trang thiết bị phòng chống dịch... nhằm phục hồi hoạt động đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập.
https://laodong.vn/giao-duc/bo-gddt-de-xuat-chinh-sach-ho-tro-giao-vien-mam-non-tu-thuc-977301.ldo
Theo Tường Vân (LĐO)