Tại dự thảo "Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT", Bộ GD&ĐT đề xuất sửa đổi tiêu chuẩn về quy mô của trường tiểu học.
Cụ thể, Bộ GD&ĐT đề xuất trường tiểu học có quy mô tối thiểu 10 lớp và tối đa 40 lớp (thay cho tối đa 30 lớp như quy định hiện hành). Đối với trường tại các xã thuộc vùng khó khăn, quy mô tối thiểu 5 lớp.
Bộ GD&ĐT đề xuất sửa đổi tiêu chuẩn về quy mô của trường tiểu học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
Tổng diện tích khu đất xây dựng trường được xác định trên cơ sở số lớp, số học sinh với bình quân tối thiểu 10m2 cho một học sinh.
Đối với các đô thị loại III trở lên, cho phép bình quân tối thiểu 6m2 cho một học sinh, thay cho quy định hiện hành là đối với các đô thị miền núi, khu vực trung tâm các đô thị có quỹ đất hạn chế cho phép bình quân tối thiểu 8m2 cho một học sinh.
Đối với trường có tổ chức nội trú hoặc ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú, diện tích khu đất cho các hạng mục công trình phục vụ nội trú, ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú bảo đảm 6m2 cho một học sinh.
Đồng thời, dự thảo trên cũng đề xuất đối với phòng học, cần bảo đảm mỗi lớp có một phòng học riêng, có thể sử dụng làm nơi nghỉ trưa cho học sinh (nếu có), được trang bị đầy đủ bàn, ghế học sinh (đúng quy cách và đủ chỗ ngồi cho học sinh); bàn, ghế giáo viên; bảng lớp; hệ thống đèn và hệ thống quạt; hệ thống tủ đựng hồ sơ, thiết bị dạy học.
Đối với phòng học bộ môn, có tối thiểu ba phòng để tổ chức dạy học các môn âm nhạc, mỹ thuật, khoa học và công nghệ, tin học, ngoại ngữ.
Căn cứ điều kiện thực tế, ghép một số phòng học bộ môn theo nguyên tắc bảo đảm đủ chức năng của các phòng học này, có chức năng tương đồng, đầy đủ thiết bị cho mỗi môn học.