Kinh tế

Giá cả thị trường

Bỏ hoang cụm công nghiệp, dân thuê đất… trồng dưa hấu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Gần 10 năm trôi, chỉ có một doanh nghiệp thuê đất ở Cụm công nghiệp Cầu Nước Xanh. Ảnh: N.T
Cụm công nghiệp Cầu Nước Xanh được quy hoạch với kỳ vọng sẽ góp phần phát triển kinh tế ở huyện Tây Sơn nói riêng và Bình Định nói chung. Nhưng sau khi hình thành gần 10 năm, nơi đây vẫn đìu hiu. Hơn 40ha đất bỏ hoang, nông dân phải thuê lại để làm nông nghiệp.
10 năm chỉ thu hút được 1 doanh nghiệp
Cụm công nghiệp Cầu Nước Xanh là dự án do Công ty Cổ phần Cụm Công nghiệp Cầu Nước Xanh triển khai tại xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn. Dự án được UBND tỉnh Bình Định đã cấp giấy chứng nhận đầu tư với diện tích khoảng 50ha vào năm 2010 với kỳ vọng phát triển kinh tế cũng như giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Tuy nhiên, gần 10 năm qua, nơi đây chỉ thu hút được một doanh nghiệp thuê đất để xây dựng nhà máy sản xuất tinh bột biến tính. Bi đát hơn, gần đây, nhà máy này phải tạm dừng hoạt động để khắc phục sự cố nước thải. Vì vậy, hàng chục hécta đất của cụm công nghiệp gần như bỏ hoang hoàn toàn.
Gần đây, cụm công nghiệp này đã cho người dân thuê khoảng 10ha đất với giá 40 triệu đồng/vụ (khoảng 3 tháng) để… trồng dưa hấu. Giữa những bãi đất rộng mênh mông, hoang vắng, chỉ lọt thỏm 1 nhà máy chế biến tinh bột biến tính và một… ruộng dưa hấu dài xanh rì tít tắp.
Ông Võ Chí Hiếu - Giám đốc điều hành Cụm Công nghiệp Cầu Nước Xanh (Công ty Cổ phần Cụm công nghiệp Cầu Nước Xanh) - thừa nhận: “Việc ký hợp đồng cho thuê đất này là không đúng, Ban quản lý Cụm công nghiệm không đồng ý vì tỉnh giao đất cho công ty với mục đích kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp”.
“Ế ẩm” vì bị giới hạn ngành nghề?
Theo Giám đốc điều hành Cụm công nghiệp Cầu Nước Xanh, ngành nghề được kinh doanh trong Cụm công nghiệp Cầu Nước Xanh là chế biến nông lâm sản. Cụm công nghiệp gần khu dân cư nên hầu hết doanh nghiệp không mặn mà. Ngoài ra, các yếu tồ từ nguồn nhân lực và nhiều nguyên nhân khách quan khác khiến việc thu hút đầu tư gặp khó khăn.
“Ngày xưa ở đây có nhiều lò gạch, ngói, nhưng cụm công nghiệp mới hình thành thì không được phép tiếp nhận những dự án đầu làm gạch ngói. Ngay việc tiếp nhận các doanh nghiệp sản xuất sắt thép cũng khó khăn. Còn ngành may mặc thì nhà đầu tư gần như đã có chỗ ổn định, khó thu hút đến nơi này” - ông Hiếu nói.
Ông Hiếu phân trần: Cụm công nghiệp Cầu Nước Xanh kêu gọi đầu tư, một số doanh nghiệp cũng đã đến thăm dò, khảo sát nhưng sau đó các doanh nghiệp này không thấy quay trở lại. Trước kia, khu vực này cũng hấp dẫn vì vị trí địa lý khá thuận lợi. Nhưng vì bị giới hạnh ngành nghề đăng ký kinh doanh nên cụm công nghiệp cũng không mấy hấp dẫn với doanh nghiệp. 
Hiện Cụm công nghiệp đang tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư, xin chủ trương hạ giá cho thuê, cũng cấp thêm các ưu đãi như miễn giảm thuế vài năm, khéo dài thời gian thuê đất ra...” - ông Hiếu nêu giải pháp.

Theo Ban quản lý cụm công nghiệp huyện Tây Sơn, đơn vị này đã phối hợp với Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện, UBND xã Bình Nghi kiểm tra thực địa tại Cụm công nghiệp Cầu Nước Xanh. Ban quản lý cụm công nghiệp huyện Tây Sơn có báo cáo đề nghị UBND huyện lập đoàn kiểm tra về tiến độ đầu tư, đề xuất UBND tỉnh thu hồi dự án đầu tư, vì hiện nay mặt bằng còn bỏ trống đang cho một số hộ dân thuê đất ngắn hạn để trồng dưa, sử dụng đất sai mục đích; Thu hồi chủ trương đầu tư xây dựng-kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Cầu Nước Xanh và thu hồi đất của Công ty cổ phần Cụm công nghiệp Câu Nước Xanh.

Nguyễn Tri (LĐO)

Có thể bạn quan tâm