Kinh tế

Giá cả thị trường

Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ việc đánh giá chỉ số CPI

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đối với rổ hàng hóa tính CPI, số lượng hàng hóa và dịch vụ đại diện điều tra được thực hiện theo Tài liệu hướng dẫn biên soạn Chỉ số giá tiêu dùng của quốc tế.

Khách mua hàng hóa bình ổn giá tại siêu thị Bách Hóa Xanh, quận Phú Nhuận (Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Khách mua hàng hóa bình ổn giá tại siêu thị Bách Hóa Xanh, quận Phú Nhuận (Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)


Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo giải trình gửi các đại biểu Quốc hội, sau khi có ý kiến đề nghị làm rõ việc đánh giá rổ hàng hóa theo phương pháp tính của Tổng cục Thống kê đã phản ánh chính xác tác động của tăng giá đến đời sống người dân và doanh nghiệp hay không?

Cân nhắc xây dựng một gói rổ hàng hóa phản ánh để có chính sách kịp thời, hạn chế những tác động đến người dân và doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đối với rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI), số lượng hàng hóa và dịch vụ đại diện điều tra được thực hiện theo Tài liệu hướng dẫn biên soạn Chỉ số giá tiêu dùng của các tổ chức quốc tế.

Ở Việt Nam, lần đầu tiên Tổng cục Thống kê tính và công bố chỉ tiêu CPI vào năm 1998, chọn năm gốc là năm 1995 với danh mục hàng hóa gồm 300 mặt hàng đại diện.

Từ đó đến nay, năm gốc tính CPI được thay đổi cùng với việc mở rộng danh mục và cập nhật quyền số của các nhóm hàng hóa đại diện theo định kỳ.

Hiện nay, Tổng cục Thống kê thực hiện theo phương án điều tra giá tiêu dùng giai đoạn 2020-2025 với năm gốc 2019.

Để xây dựng Danh mục hàng hóa đại diện sử dụng trong điều tra giá tiêu dùng, Tổng cục Thống kê đã tiến hành khảo sát thị trường của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trên cơ sở kết quả khảo sát, Tổng cục Thống kê loại bỏ những hàng hóa không còn phổ biến và bổ sung thêm hàng hóa mới, phổ biến trong tiêu dùng của dân cư.

Tổng số mặt hàng trong Danh mục hàng hóa đại diện giai đoạn 2020-2025 là 754 mặt hàng (tăng 100 mặt hàng so với giai đoạn trước).

Danh mục hàng hóa đại diện này được rà soát, phân tổ dựa trên Bảng phân loại tiêu dùng theo mục đích của hộ gia đình Việt Nam; đảm bảo phục vụ biên soạn chỉ tiêu CPI cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cho các vùng và cả nước theo tháng, quý, năm.

“Việc bổ sung thêm những mặt hàng tiêu dùng mới, đã và đang trở nên phổ biến, được ưa chuộng, hiện đại, đồng thời được cập nhật thường xuyên trong quá trình thu thập thông tin khiến rổ hàng hóa mang tính đại diện hơn, phản ánh sát hơn đời sống, cơ cấu tiêu dùng của người dân, phù hợp với sự đa dạng, phong phú của các nhóm hàng hóa, dịch vụ,” Tổng cục Thống kê cho biết.

Bên cạnh chỉ tiêu CPI, Tổng cục Thống kê hàng quý còn công bố các loại chỉ số giá khác để phản ánh tính hình giá cả trên thị trường như chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản; chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp; chỉ số giá dịch vụ; chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất; chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

Đáng lưu ý, mặc dù CPI chưa tăng cao nhưng giá sản xuất đang có xu hướng tạo sức ép lên giá cả hàng hóa tiêu dùng.

Bình quân 9 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 6%, cao nhất trong vòng 10 năm qua; chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp tăng 4,71%; chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa tăng cao nhất kể từ năm 2012 với mức tăng 10,86%... Điều này cho thấy doanh nghiệp đang phải chịu sức ép rất lớn về chi phí sản xuất.

Bình quân 9 tháng năm 2022, CPI được kiềm chế ở mức thấp với tốc độ tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước do một số nguyên nhân chính như để chủ động ứng phó với áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ban hành kịp thời nhiều chính sách, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội.

Các chính sách phù hợp cùng với sự quyết liệt, sát sao trong chỉ đạo, điều hành đã giúp giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.

Bên cạnh đó, một số chính sách rất hiệu quả như: giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 1/2/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động...

Cùng với đó, các nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng có tác động lớn tới CPI được kiểm soát giá chặt chẽ.

Trong năm học 2021-2022, nhiều địa phương thực hiện miễn, giảm học phí để chia sẻ khó khăn cho người dân trong đại dịch đã giúp chỉ số giá dịch vụ giáo dục 9 tháng năm giảm 1,88% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung giảm 0,1 điểm phần trăm.

Đối với giá dịch vụ y tế, nếu thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh theo đúng lộ trình thì năm 2021 phải hoàn thành việc tính đủ các loại chi phí theo quy định của pháp luật về giá. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này đến nay chưa hoàn thành cũng góp phần kiềm chế tốc độ tăng của CPI.

Thêm vào đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chủ động đề xuất chưa tăng giá điện trong năm nay mặc dù chi phí đầu vào của ngành này như giá xăng dầu, giá than đều đã tăng rất cao...

Nhìn chung, CPI do Tổng cục Thống kê thu thập thông tin, biên soạn và công bố đã phản ánh xu hướng biến động giá trên thị trường.

Theo Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm