Bạn đọc

Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời cử tri Gia Lai về xây dựng cơ chế hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời cử tri Gia Lai về xây dựng cơ chế hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất và đời sống.
Kiến nghị:
Đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH-CN), kinh phí nhà nước đầu tư tập trung cho việc xây dựng và hoàn thiện giải pháp, triển khai thực hiện các mô hình mới, mô hình điểm mà chưa có cơ chế hỗ trợ kinh phí để triển khai nhân rộng các kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu. Đề nghị Bộ KH-CN xây dựng cơ chế hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất và đời sống, hình thành giai đoạn tiếp theo sau khi đề tài kết thúc để tiếp tục hỗ trợ ứng dụng triển khai trong thực tiễn.
Trả lời:
Có thể nhận thấy, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong thời gian qua có bước phát triển mạnh, nhiều tiến bộ kỹ thuật, mô hình đã cho kết quả cao và triển khai rộng rãi. Việc nhân rộng các kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu cũng đã được Bộ KH-CN cùng các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện và triển khai có hiệu quả góp phần phát triển kinh tế-xã hội của vùng, miền và các địa phương. Ví dụ như việc triển khai và nhân rộng các dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH-CN thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025; Chương trình KH-CN phục vụ xây dựng nông thôn mới chính là sự tập hợp lực lượng KH-CN cả nước để giải quyết các vấn đề theo định hướng của Nghị quyết số 26-NQ/TW khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; việc triển khai nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ thông qua hệ thống các chương trình KH-CN quốc gia và các chương trình trọng điểm cấp quốc gia, quỹ đổi mới công nghệ quốc gia đạt được nhiều kết quả tốt. Nhiều doanh nghiệp đã được hỗ trợ đổi mới công nghệ, đủ trình độ tạo ra nhiều sản phẩm trọng điểm, có khả năng cạnh tranh cao. Tiêu biểu như Dự án “Hoàn thiện công nghệ, dây chuyền thiết bị để nâng cao chất lượng dầu ăn và sản xuất shortening, margarine từ mỡ cá tra”; Dự án chế tạo robot 5 bậc tự do phục vụ đào tạo; Dự án đổi mới công nghệ sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy. Hỗ trợ việc hình thành chuỗi giá trị sản xuất các linh kiện, chi tiết thiết bị hỗ trợ, lắp ráp...
Tuy nhiên, để có cơ chế hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất và đời sống, hình thành giai đoạn tiếp theo sau khi đề tài kết thúc để tiếp tục hỗ trợ ứng dụng triển khai trong thực tiễn nhiều hơn nữa, Bộ KH-CN đang tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế tài chính, chính sách đầu tư, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực KH-CN bên cạnh các văn bản hiện hữu như Nghị định số 76/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chuyển giao công nghệ; Nghị định số 70/2018/NĐ-CP; Nghị định số 13/2019/NĐ-CP.
GLO

Có thể bạn quan tâm