Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Bỏ khung giá đất cần được xem là bước đột phá khi sửa Luật Đất đai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người dân kỳ vọng những đổi mới sẽ giúp hạn chế được bất cập trong chính sách, quản lý đất đai còn tồn tại nhiều năm qua, thúc đẩy quan hệ thị trường phát triển.

Một khu đất đã được phân lô để bán tại Thạch Thất. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN
Một khu đất đã được phân lô để bán tại Thạch Thất. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN
Dự thảo Luật Đất đai 2013 (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến đã bỏ khung giá đất, tiếp tục sử dụng bảng giá đất theo nguyên tắc thị trường do địa phương xây dựng và ban hành, dưới sự giám sát của Trung ương.
Các chuyên gia nhận định, đổi mới này cũng phù hợp với tinh thần của một trong những nội dung quan trọng được nêu trong Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao."
Đặc biệt, người dân kỳ vọng những đổi mới sẽ giúp hạn chế được bất cập trong chính sách, quản lý đất đai còn tồn tại nhiều năm qua, thúc đẩy quan hệ thị trường phát triển.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện nay thách thức đặt ra là chính quyền từ Trung ương đến địa phương phải thiết kế được cơ chế định giá đất khách quan, hiệu quả, khả thi. Nếu không có cách làm phù hợp để định giá đất sát thị trường sẽ khó thu hẹp khoảng cách giữa hai loại giá đất. Theo đó, không những không loại bỏ được các hệ lụy vốn có mà thậm chí còn làm phát sinh thêm nhiều vấn đề phức tạp khi các địa phương công bố bảng giá đất hàng năm.
Giáo sư-Tiến sỹ Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội nhận xét, Luật Đất đai 2013 quy định khung giá đất được ban hành 5 năm một lần theo từng vùng, từng loại đất. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá trên thị trường tăng hoặc giảm từ 20% trở lên so với khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp.
Trong khi đó, ghi nhận thực tế cho thấy, việc điều chỉnh khung giá đất gần như không xảy ra. Điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các địa phương.
Bản thân các địa phương khi xây dựng bảng giá đất phải dựa trên và không được vượt quá khung giá đất. Tuy nhiên, khung giá đất thường thấp hơn so với giá thị trường rất nhiều lần vì vậy bảng giá đất của các địa phương công bố cũng thấp hơn, không sát với giá trị đất đai trên thị trường. Khi bảng giá đất này thấp đã dẫn đến nhiều hệ lụy.

Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN
Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN
Ông Hoàng Văn Cường phân tích, khi Nhà nước thực hiện các chính sách về tài chính đất đai như giao đất, đặc biệt là đất của cơ quan Nhà nước sử dụng chuyển sang cho tư nhân thì việc căn cứ giá đất trên bảng giá đất thấp hơn giá thị trường vô hình chung xảy xa tình trạng thất thoát nguồn lực đất đai. Đó cũng là lý do gây ra nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực suốt thời gian qua.
Mặt khác, khi áp dụng bảng giá đất thấp, khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư sẽ rất khó khăn. Việc đền bù giá thấp gây ra nhiều thiệt hại đối với người có đất bị thu hồi, do đó người dân sẽ không chấp nhận dẫn đến khâu đền bù giải phóng mặt bằng kéo dài, dự án chậm triển khai, tình trạng khiếu kiện, khiến nại đất đai gia tăng...
Theo ông Hoàng Văn Cường, việc sử dụng khung giá đất làm căn cứ xác định bảng giá đất đã gây ra những hệ lụy rất lớn, ảnh hưởng cả nguồn thu ngân sách Nhà nước và quyền lợi của người dân. Khung giá chính là sự áp đặt của Nhà nước về việc giá đất phải nằm trong một khoảng nhất định.
Do đó, việc bỏ khung giá đất và Hội đồng Nhân dân tỉnh phải xây dựng bảng giá đất dựa trên nguyên tắc thị trường chính là đột phá, là cuộc cách mạng về tầm nhìn và tư duy quản lý, bỏ áp đặt mệnh lệnh hành chính, sử dụng các công cụ thị trường để xây dựng chính sách về giá đất.
“Nhà nước sử dụng công cụ thị trường để điều tiết hành vi, điều tiết lợi ích, không dùng mệnh lệnh hành chính để áp đặt, cụ thể là trong vấn đề thu hồi đất. Sẽ không còn tình trạng “ép” người dân buộc phải giao quyền sử dụng đất hay cho một ai đó được quyền hưởng một khoản lợi khổng lồ từ đất, từ đó có thể triệt tiêu được tình trạng xin-cho và tham nhũng từ đất, tạo sự minh bạch, công bằng. Làm được điều này tức là chúng ta đang thực hiện tốt việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa,” ông Cường cho hay.
Theo Thu Hằng (TTXVN/Vietnam+)
 

Có thể bạn quan tâm