Kinh tế

Nông nghiệp

Bộ NN-PTNT đề nghị người dân trồng rừng gỗ lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Do các nhà máy đang thiếu nguyên liệu, nhu cầu thị trường xuất khẩu rất lớn, Bộ NN-PTNT vừa có quyết định hướng dẫn người dân chuyển qua trồng các loại cây rừng gỗ lớn.

 

Sáng 31-7, văn phòng Tổng cục Lâm nghiệp thông tin, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn vừa ký quyết định số 2962 ngày 30-7-2019 về việc ban hành hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn đối với 2 loài keo tai tượng và keo lai.


 

 Bộ NN-PTNT khuyến cáo người dân nên đầu tư trồng loại rừng cây gỗ lớn
Bộ NN-PTNT khuyến cáo người dân nên đầu tư trồng loại rừng cây gỗ lớn




Trồng rừng, đầu tư vào rừng nguyên liệu đang là cơ hội làm giàu của nhiều nông dân hiện nay, khi “đầu ra” rất rộng mở, nhu cầu cao. Tuy nhiên, hầu như hiện nay, các vùng trồng rừng nguyên liệu chỉ tập trung vào trồng hai loài keo lai và keo tai tượng, tuổi cây ngắn (5-7 năm là thu hoạch).

Trong khi hiện nay, các nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu đang có nhu cầu cao về nguyên liệu loại lớn để gia tăng giá trị xuất khẩu nhưng lại đang thiếu nguyên liệu.

Vì vậy, ngày 30-7, Bộ NN-PTNT đã ban hành quyết định hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn đối với loài cây keo lai và keo tai tượng, nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế rừng trồng, góp phần phát triển nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Kỹ thuật này áp dụng đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến các chương trình, dự án trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn đối với loài cây keo lai và keo tai tượng có sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Đây cũng là một trong những cơ sở để xây dựng dự toán trồng rừng.

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, trong tháng 7-2019, giá trị xuất khẩu lâm sản ước đạt hơn 890 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản trong cả 7 tháng năm 2019 lên hơn 6 tỷ USD. Trong đó, riêng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 5,657 tỷ USD; xuất siêu lâm sản đạt 4,574 tỷ USD.

VĂN PHÚC (sggp)

Có thể bạn quan tâm