(GLO)- * Kiến nghị: Đồng thời quan tâm hơn đến chính sách bảo vệ rừng và đề nghị thành lập Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Tul.
Đề nghị thành lập Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Tul là một trong những kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai (ảnh minh họa) |
- Bộ Nông nghiệp và PTNT trả lời:
1. Về đề nghị quan tâm hơn đến chính sách bảo vệ rừng.
Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản liên quan trực tiếp đến chính sách về bảo vệ rừng, cụ thể như:
- Nghị định của Chính phủ số 99/2010/NĐ-CP và số 147/2016/NĐ-CP ngày 16-11-2016 về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; số 17/2010/NĐ-CP ngày 24-12-2010 về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng; số 75/2015/NĐ-CP ngày 2-11-2015 về cơ chế, chính sách bảo vệ phát triển rừng gắn với giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020.
- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 24/2012/QĐ-TTg ngày 1-6-2012 về ban hành chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020; số 17/2015/QĐ-TTg ngày 9-6-2015 về quy chế quản lý rừng phòng hộ; số 49/2016/QĐ-TTg ngày 1-11-2016 về quy chế quản lý rừng sản xuất; số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14-9-2016 về việc ban hành một số chính sách, bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông-lâm nghiệp; số 886/QĐ-TTg ngày 16-6-2017 về phê duyệt chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020.
Những chính sách trên đã giải quyết được vấn đề về cơ chế tài chính đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, gắn với giảm nghèo nhanh, bền vững, đồng thời hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số; quy định quy chế quản lý bảo vệ rừng và chính sách hưởng lợi cho 3 loại rừng; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển sản xuất lâm nghiệp và xác định các chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2020. Trên cơ sở các chính sách bảo vệ và phát triển rừng hiện hành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2020.
Bộ Nông nghiệp và PTNT ghi nhận kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai và tiếp thu có những đánh giá để đề xuất xây dựng bổ sung các chính sách bảo vệ rừng nhằm đạt được hiệu quả cao.
2. Về đề nghị thành lập Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Tul.
Việc thành lập Ban Quản lý rừng phòng hộ được quy định tại Điểm a, b, c Khoản 1 Điều 8 Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg ngày 9-6-2015 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế quản lý rừng phòng hộ; quy định UBND tỉnh quyết định thành lập Ban Quản lý rừng phòng hộ.
Đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai làm việc với UBND tỉnh Gia Lai xem xét quyết định thành lập Ban quản lý rừng phòng hộ theo thẩm quyền.
* Kiến nghị: Đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
- Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch trả lời:
Việc xây dựng Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch triển khai từ năm 2015 ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Qua 6 lần dự thảo và trình Chính phủ lần thứ 6 vào tháng 3-2018 (Tờ trình số 62/TTr-BVHTTDL ngày 23-3-2018), dự thảo Nghị định vẫn còn ý kiến khác nhau. Hiện nay, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đang chờ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và tiếp tục tổng hợp các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ xem xét, ban hành.
* Kiến nghị: Đề nghị quan tâm đến việc xây dựng tượng đài chiến thắng sông Bờ.
- Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch trả lời:
Di tích Chiến thắng Đường 7-sông Bờ thuộc xã la Rtô, huyện Ayun Pa, tỉnh Gia Lai đã được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 53/2001/QĐ-BVHTT ngày 28-12-2001. Năm 2017, thông qua Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ tu bổ, tôn tạo di tích địa điểm Chiến thắng Đường 7-sông Bờ 300 triệu đồng.
Nếu được xây dựng trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích, việc xây dựng tượng đài chiến thắng sông Bờ cần tuân thủ theo các quy định của Luật Di sản văn hóa năm 2001, Luật Di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung năm 2009, Quyết định số 1706/2001/QĐ-BVHTT ngày 24-7-2001 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh đến năm 2020, Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 2-10-2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật và các quy định có liên quan đến xây dựng tượng đài.
Việc quyết định xây dựng tượng đài chiến thắng sông Bờ thuộc thẩm quyền UBND tỉnh Gia Lai. Khi dự án xây dựng tượng đài được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp về chuyên môn để công trình tượng đài được thực hiện đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật, bảo vệ di tích, phù hợp với cảnh quan, môi trường của di tích.