Trên cơ sở những kết quả đạt được của quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020, Bộ NNPTNT vừa trình Chính phủ tờ trình về phê duyệt kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp 2021 - 2025 với mục tiêu Việt Nam nằm trong top 15 nước có nền nông nghiệp mạnh nhất thế giới.
Có trên 1.500 mô hình chuỗi liên kết
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, trong những năm qua, Bộ NNPTNT đã triển khai rất hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 trong bối cảnh quốc tế và trong nước gặp nhiều khó khăn.
Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông lâm thủy sản giai đoạn 2016-2020 ước đạt 2,62%/năm với chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện; năng suất lao động nông lâm thủy sản bình quân đạt 6,8%/năm; cơ cấu kinh tế nông nghiệp đang chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế.
Cà phê là một trong những sản phẩm chủ lực quốc gia sẽ được đầu tư cơ cấu lại sản xuất. Trong ảnh: Thu hoạch cà phê tại tỉnh Gia Lai. Ảnh: Trọng Chính |
Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản đã có kết quả rõ nét với trên 1.500 mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn thực thẩm trên cả nước.
Cơ cấu lại theo 3 trục sản phẩm
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều thay đổi, để thực hiện chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phấn đấu đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới, giai đoạn 2021-2025 cần phải xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách tổng thể và đồng bộ với sự tham gia của các bộ, ngành và địa phương.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành nông nghiệp sẽ cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm chủ lực; cơ cấu lại sản xuất theo từng lĩnh vực; cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo vùng.
Ba nhóm sản phẩm chủ lực là nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia (lúa gạo, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, cây ăn quả, rau, sắn, thịt lợn, thịt và trứng gia cầm, cá tra, tôm, gỗ và sản phẩm từ gỗ); nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm đặc sản địa phương.
Bộ NNPTNT cũng đặt ra 9 nhóm giải pháp chủ yếu để hoàn thành mục tiêu, gồm: Đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách; phát triển khoa học, công nghệ; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và hạ tầng thương mại ở nông thôn; thúc đẩy phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản; phát triển công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistic; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hội nhập quốc tế, phát triển thị trường; bảo vệ tài nguyên, môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai...
Theo KHÁNH NGUYÊN (Dân Việt)