Bạn đọc

Bộ Nội vụ, Ngân hàng Chính sách Xã hội trả lời kiến nghị của cử tri

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lời Tòa soạn: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh vừa có Công văn số 301/ĐĐBQH-VP về việc bộ, ngành trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai gửi trước và sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. Từ số báo hôm nay, Báo Gia Lai lần lượt đăng nội dung này.

* BỘ NỘI VỤ

*Kiến nghị:

Hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế-xã hội nhanh dẫn đến tốc độ đô thị hóa nhanh. Đối với các phường, thị trấn cần có đội ngũ nhân sự, kinh phí để thực hiện nhiệm vụ quản lý đô thị. Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ chưa có quy định về việc thành lập, hoạt động và chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia thực hiện công tác quản lý đô thị. Hiện nay, ở các phường, thị trấn chỉ có 1 công chức địa chính-xây dựng-đô thị-môi trường nên dẫn đến hiệu quả quản lý nhà nước không cao. Đề nghị xem xét ban hành quy định về việc thành lập, hoạt động và chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia thực hiện công tác quản lý đô thị.

- Trả lời:

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10-6-2023 quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố. Theo đó, đã quy định các nội dung sau:

- Quy định công chức địa chính-xây dựng-đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc công chức địa chính-nông nghiệp-xây dựng và môi trường (đối với xã) có nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND cấp xã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND cấp xã trong lĩnh vực về quản lý xây dựng, đô thị trên địa bàn cấp xã theo quy định của pháp luật; thu thập thông tin, tổng hợp số liệu, bảo quản hồ sơ và xây dựng các báo cáo liên quan đến thẩm quyền quản lý của UBND cấp xã về đô thị (khoản 3 Điều 11).

- Quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã được tính theo loại đơn vị hành chính cấp xã, đồng thời giao UBND cấp huyện hàng năm quyết định số lượng cụ thể cán bộ, công chức ở từng đơn vị hành chính cấp xã và bố trí số lượng công chức của từng chức danh công chức cấp xã thuộc phạm vi quản lý cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng đơn vị hành chính cấp xã (khoản 5 Điều 6).

Như vậy, Nghị định không quy định cụ thể số lượng công chức địa chính-xây dựng-đô thị và môi trường tại mỗi phường, thị trấn mà giao UBND cấp huyện căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ của từng đơn vị hành chính cấp xã quyết định cho phù hợp (tại các phường, thị trấn có yêu cầu cao về quản lý đô thị thì có thể xem xét tăng số lượng công chức địa chính-xây dựng-đô thị và môi trường nhưng bảo đảm không vượt quá tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã của cả đơn vị hành chính cấp huyện được HĐND cấp tỉnh giao).

- Quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với công chức cấp xã, trong đó có công chức địa chính-xây dựng-đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) làm nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND cấp xã thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực đô thị.


*Kiến nghị:

Trong thời gian vừa qua, một số đoàn viên, thanh niên muốn đầu tư chăn nuôi gia súc/gia cầm nhưng không có nguồn vốn. Mặc dù tiếp cận nguồn vốn vay ủy thác của Ngân hàng Chính sách Xã hội nhưng không được vay với lý do trong gia đình đã có người đứng ra vay vốn (cha/mẹ). Vấn đề này gây ảnh hưởng lớn đến việc tự chủ trong phát triển kinh tế của thanh niên. Đề nghị Ngân hàng Chính sách Xã hội xem xét, tháo gỡ, tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên tiếp cận nguồn vốn vay ủy thác để phát triển kinh tế.


* NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI

Trả lời:

Theo quy định của các chương trình tín dụng chính sách do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định đối tượng thụ hưởng là hộ gia đình. Theo đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã hướng dẫn các thành viên trong hộ gia đình từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật thỏa thuận cử 1 trong số các thành viên này đại diện theo ủy quyền để đứng tên người vay và thực hiện các giao dịch với Ngân hàng Chính sách Xã hội nơi cho vay.

Do đó, đoàn viên, thanh niên thuộc hộ gia đình không đứng tên vay vốn nhưng vẫn được cùng các thành viên trong hộ bàn bạc thống nhất phương án vay vốn và cùng sử dụng vốn vay để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống, tăng thu nhập hộ gia đình. Trường hợp đoàn viên, thanh niên trên 18 tuổi có nhu cầu và đủ điều kiện tách hộ gia đình, phát triển kinh tế riêng có thể thực hiện các thủ tục tách hộ để được thụ hưởng các chính sách tín dụng theo hộ gia đình.

Ngoài ra, các đoàn viên, thanh niên chưa có việc làm hoặc chưa có việc làm ổn định, có nhu cầu tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, có phương án sản xuất, kinh doanh... đoàn viên, thanh niên có thể đứng tên vay vốn và chủ động liên hệ với chi đoàn, tổ tiết kiệm và vay vốn nơi đoàn viên đang cư trú hợp pháp để được hướng dẫn quy trình, thủ tục vay vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm hoặc tiếp cận các nguồn vốn khác tại địa phương.

Có thể bạn quan tâm