Bạn đọc

Bộ Nông nghiệp và PTNT trả lời cử tri Gia Lai về hỗ trợ giống cây trồng kháng bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bộ Nông nghiệp và PTNT trả lời cử tri Gia Lai về hỗ trợ giống cây trồng kháng bệnh.
Kiến nghị:
Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT quan tâm chỉ đạo hỗ trợ giống cây trồng kháng bệnh cho tỉnh Gia Lai để đảm bảo sản xuất nông nghiệp. Áp dụng chỉ định thầu trong việc mua vật tư nông nghiệp hỗ trợ, khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và mua vắc xin phòng dịch bệnh trên vật nuôi. Hỗ trợ tỉnh 100% kinh phí mua vắc xin phòng-chống dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi, như: lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi.
Trả lời:
1. Đối với việc hỗ trợ giống cây trồng cho các địa phương từ nguồn giống cây trồng dự trữ quốc gia khi bị thiệt hại do thiên tai dịch bệnh gây ra: Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT được Chính phủ giao nhiệm vụ dự trữ quốc gia về giống cây trồng (lúa, bắp và rau). Hàng năm, để mua giống đưa vào dự trữ, Bộ đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn có văn bản gửi các địa phương đề xuất cơ cấu giống đưa vào dự trữ. Căn cứ đề xuất của các địa phương, Bộ giao cho các đơn vị thực hiện mua hàng dự trữ đảm bảo yêu cầu chung của các tỉnh (trong đó có tỉnh Gia Lai), đồng thời ưu tiên các giống đang phổ biến ngoài sản xuất, có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt và khả năng chống chịu khá với sâu bệnh.
Bộ Nông nghiệp và PTNT đã giao cho các đơn vị chuyên môn, Viện nghiên cứu; khuyến khích doanh nghiệp tiến hành nghiên cứu, chọn tạo và nhập nội các giống cây trồng mới có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt và đặc biệt tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. Hiện nay, đã nghiên cứu, chọn tạo và nhập nội được nhiều giống cây trồng có nhiều đặc điểm tốt và khả năng chống chịu sâu bệnh khá như: giống mì kháng bệnh khảm lá của Viện Di truyền Nông nghiệp (HN1, HN3, HN5, HN36, HN80, HN97); giống lúa chống chịu bệnh đạo ôn, bạc lá (BC15 chứa gen kháng đạo ôn, Bắc Thơm 7 chứa gen kháng bạc lá...); giống bắp chuyển gen kháng sâu bộ cánh vảy, kháng thuốc trừ cỏ, sâu keo mùa thu (NK67Bt/GT, NK4300BƯGT, NK7328BƯGT, C.P.501S...); giống chanh dây (Quế Phong 1 và Nafoods 1)...
Đề nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT liên hệ với các viện nghiên cứu và các đơn vị sản xuất kinh doanh giống cây trồng để đưa các giống mới để thử nghiệm, mở rộng sản xuất góp phần nâng cao giá trị sản xuất và đảm bảo sản xuất an toàn.
2. Trong trường hợp đơn vị, cơ quan, ban ngành (đơn vị) của địa phương cần mua vật tư nông nghiệp, vắc xin, hóa chất phòng-chống dịch bệnh trên vật nuôi để kịp thời hỗ trợ, khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trong tình huống cấp bách, đơn vị có thể báo cáo cơ quan có thẩm quyền của địa phương thẩm định, cho phép áp dụng thủ tục mua sắm bằng hình thức chỉ định thầu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13; đồng thời thực hiện đúng, đầy đủ quy định về chỉ định thầu tại Điều 22 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
3. Tại điểm a khoản 2 Điều 6 của Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15-5-2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y quy định: “Ngân sách địa phương bố trí kinh phí phòng-chống dịch bệnh động vật tại địa phương. Trường hợp kinh phí phòng-chống dịch bệnh động vật vượt quá khả năng cân đối ngân sách của địa phương, UBND cấp tỉnh báo cáo bằng văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chỉnh phủ xem xét, quyết định.
Để triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm soát bệnh lở mồm long móng và dịch tả heo châu Phi, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Kế hoạch quốc gia phòng-chống bệnh dịch tả heo châu Phi, giai đoạn 2019-2025” (kèm theo Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 7-7-2020) và “Chương trình quốc gia phòng-chống bệnh lở mồm long móng, giai đoạn 2021-2025” (kèm theo Quyết định số 1632/QĐ-TTg ngày 22-10-2020). Tại các chương trình, kế hoạch quốc gia này, đều có quy định cụ thể về ngân sách phòng-chống dịch bệnh, trong đó có tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi.
Cụ thể, tại “Chương trình quốc gia phòng-chống bệnh lở mồm long móng, giai đoạn 2021-2025” quy định: “Ngân sách trung ương đảm bảo kinh phí cho các hoạt động thuộc nhiệm vụ chi của các cơ quan trung ương; ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí cho các hoạt động của tuyến địa phương, bao gồm mua vắc xin lở mồm long móng để tiêm phòng đối với đàn gia súc thuộc diện tiêm phòng. Đối với các địa phương còn khó khăn, chưa tự cân đối được ngân sách, báo cáo Bộ Tài chính để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung ngân sách hàng năm cho địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để có đủ nguồn thực hiện nhiệm vụ phòng-chống dịch bệnh. Trường hợp dịch bệnh bùng phát, có chiều hướng lây lan diện rộng, địa phương không đảm bảo đủ lượng vắc xin, hóa chất để kịp thời phòng-chống dịch bệnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp hỗ trợ từ nguồn dự trữ quốc gia theo quy định của Luật Dự trữ quốc gia”.
Trên cơ sở các quy định nêu trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai có ý kiến với UBND tỉnh và các cấp có thẩm quyền của tỉnh Gia Lai căn cứ tình hình chăn nuôi gia súc trên địa bàn, nguồn lực của địa phương, xây dựng kế hoạch chi tiết và bố trí nguồn lực của địa phương theo phân cấp để tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để bảo đảm cho công tác phòng-chống dịch bệnh động vật. Trường hợp kinh phí mua vắc xin phòng các bệnh nguy hiểm trên vật nuôi vượt quá khả năng cân đối ngân sách của địa phương, đề nghị UBND tỉnh Gia Lai có báo cáo bằng văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
GLO
 

Có thể bạn quan tâm