Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Bộ Tài chính thông tin việc xác minh sai phạm tại Asanzo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, đến nay các đơn vị được giao kiểm tra xác minh về Asanzo đã thực hiện đầy đủ các nội dung cần xác minh theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
 
Ông Phạm Văn Tam bên trong một nhà máy sản xuất màn hình TV.
Liên quan tới nghi vấn Công ty CP Điện tử Asanzo của ông Phạm Văn Tam mua hàng Trung Quốc rồi gắn mác “Made in Vietnam”, phóng viên đã đặt một loạt câu hỏi dành cho đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công Thương tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019.
“Đầu tiên, Bộ Tài chính đã có kết quả báo cáo Thủ tướng về việc Asanzo, vậy Asanzo có sai phạm trong việc gán nhãn xuất xứ hàng hóa hay không? Sắp tới, liệu có khởi tố Asanzo về hành vi làm sai nhãn mác xuất xứ hàng hóa? Mới đây, Tòa án cấp cao đã có bản án yêu cầu Asanzo gỡ bỏ nhãn hiệu đã dán trên các sản phẩm vì làm nhái nhãn hiệu của Công ty Đông Phương, nhưng đến nay Asanzo vẫn chưa chấp hành bản án, vậy việc này xử lý thế nào?”.
Trả lời loạt câu hỏi nêu trên, đại diện Bộ Tài chính cho biết, ngay sau khi báo chí nêu về hành vi sai phạm của Asanzo trong việc gán nhãn xuất xứ hàng hóa, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn yêu cầu Bộ Tài chính xác minh thông tin báo chí nêu, ngay hôm sau, Bộ Tài chính đã có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ, phối hợp với Ban chỉ đạo 389 quốc gia tiến hành xác minh thông tin báo chí nên. Đến nay các đơn vị này đã thực hiện đầy đủ các nội dung cần xác minh theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.
Còn theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện đúng chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ được giao.
Đối với chủ đề ghi nhãn hàng hoá, xuất xứ Việt Nam, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tiếp tục thông tin: “Liên quan tới việc ghi nhãn hàng hoá có xuất xứ Việt Nam, như chúng ta đã biết, ngày 14/4/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43 liên quan tới việc ghi nhãn hàng hoá, trong đó cũng có nội dung về xuất xứ hàng hoá.
Nhận thấy Nghị định 43 vẫn thiếu những quy định về xuất xứ Made in Vietnam, và xuất xứ của những hàng hoá được sử dụng tại thị trường Việt Nam, Bộ Công Thương đã có tờ trình báo cáo Chính phủ, cho phép Bộ nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về việc như thế nào thì một hàng hoá, sản phẩm được coi là sản phẩm Việt Nam hay sản xuất tại Việt Nam. Được Thủ tướng chấp thuận, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ, ngành liên quan, hoàn thành dự thảo ban đầu dưới hình thức là một Thông tư. Hiện nay, đã đăng tải để lấy ý kiến của các cơ quan liên quan”.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, đối tượng tác động của Thông tư vừa nêu rất rộng, nội dung rất phức tạp.
“Sự việc xảy ra tại Công ty Asanzo chỉ là một trường hợp thôi. Chính vì vậy, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của người dân, doanh nghiệp và đối tượng có liên quan. Nhưng chúng tôi vẫn mong muốn nhận thêm ý kiến đóng góp từ các cơ quan quản lý Nhà nước và các đối tượng khác.
Chúng tôi sẽ ban hành Thông tư này trong thời gian sớm nhất, đảm bảo cho hàng hoá có xuất xứ, hoặc sản xuất tại Việt Nam được quy định rõ ràng, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng”.
P.V (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm