Không chỉ bò, tại P.Hòa Xuân (Q.Cẩm Lệ), khu vực gần như giải tỏa trắng 100%, là phường duy nhất trên cả nước không có kiệt, hẻm, là đô thị sinh thái hiện đại; nhưng tình trạng nuôi gà, thậm chí nuôi heo giữa khu dân cư vẫn còn khiến một số nơi ca thán.
Đành rằng quy định cấm chăn nuôi trong khu dân cư phù hợp với định hướng phát triển của TP.Đà Nẵng, nhưng bố trí cho hộ chăn nuôi nhỏ ở khu vực quy hoạch nào, cũng như chuyển đổi nghề cho nông dân khi trở thành thị dân, là bài toán mà gần 30 năm đô thị hóa tại TP.Đà Nẵng vẫn chưa giải được trọn vẹn.
Người chăn nuôi ở nhiều phường đang lạc lõng với câu chuyện văn minh đô thị, họ vốn là nông dân trước khi đô thị hóa. Khác với thanh niên, không dễ chuyển đổi nghề ở thế hệ trung niên vốn quen với gia súc, gia cầm và ruộng vườn.
Nhiều cán bộ địa phương cũng bày tỏ, chẳng đặng đừng mới bắt bò thả rông để chủ bò phải nộp phạt và trả các khoản tiền vận chuyển, chăm sóc trong thời gian tạm giữ. Có nhiều cán bộ phường cũng bỏ tiền túi, vận động nhiều người mua hết số gà, vịt mà hộ dân nuôi gây ô nhiễm khu dân cư, vì không nỡ tạm giữ gà, vịt của bà con theo quy định.
Không thể không xử lý các trường hợp chây ì, tái phạm; nhưng giải quyết bò thả rông cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Vấn đề sinh kế, chuyển đổi nghề cho nông dân song song với đô thị hóa tại TP.Đà Nẵng là bài học sâu sắc, không chỉ cho khu vực trung tâm mà chỉ 1 - 2 năm nữa thôi H.Hòa Vang với 11 xã sẽ trở thành thị xã, nhiều xã cũng sẽ lên phường.
Sau gần 30 năm đô thị hóa, chuyện xử lý bò thả rông giữa phố cho thấy cần giải quyết câu chuyện người nông dân trở thành thị dân. Do đó, hình ảnh bò thả rông hay việc nuôi heo, gà giữa khu dân cư, tiếp tục nhắc nhở các nhà chính sách đặt người dân, nhất là người nông dân ở vị trí chủ thể, quan trọng trong cán cân tiêu chí, mục tiêu xây dựng đô thị.