Bạn đọc

Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời kiến nghị của cử tri Gia Lai về sửa đổi Luật Báo chí năm 2016

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời kiến nghị của cử tri về đề nghị tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Báo chí năm 2016 để phù hợp với thực tiễn và nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, công tác quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương.

Kiến nghị:

Đề nghị tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Báo chí năm 2016 để phù hợp với thực tiễn và nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, công tác quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương. Tăng cường phân cấp về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí cho các cấp địa phương.

Trả lời:

Thực hiện Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14-10-2021 của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã giao các đơn vị chức năng (Cục Báo chí, Vụ Pháp chế) thực hiện việc rà soát xây dựng Báo cáo số 57/BC-BTTTT ngày 30-3-2022 về kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Báo chí năm 2016 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung trình Chính phủ. Báo cáo nêu ra 27 nội dung, nhóm nội dung có quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn của pháp luật báo chí, đánh giá và đề xuất sửa đổi. Trong đó, có đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định để phù hợp với thực tiễn và nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, công tác quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương. Cụ thể:

- Quy định về phân cấp quản lý nhà nước về báo chí: Bộ TT-TT nhận thấy một số thủ tục có thể phân cấp cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương giải quyết nhằm bảo đảm sát cơ sở và nguyên tắc quản lý ngành, lãnh thổ. Cụ thể như các thủ tục: cấp giấy phép, sửa đổi, bổ sung giấy phép, chấp thuận thay đổi nội dung ghi trong giấy phép xuất bản thêm ấn phẩm đối với cơ quan báo chí của địa phương; cấp giấy phép, sửa đổi, bổ sung giấy phép, chấp thuận thay đổi nội dung ghi trong giấy phép xuất bản phụ trương đối với cơ quan báo chí của địa phương; cấp giấy phép, chấp thuận thay đổi nội dung ghi trong giấy phép xuất bản đặc san đối với cơ quan, tổ chức ở địa phương... Theo đó, Bộ TT-TT đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí theo hướng tăng cường phân cấp quản lý, giải quyết thủ tục hành chính cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương.

- Đối với vấn đề tăng cường phân cấp về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí cho các cấp địa phương, khoản 2 Điều 33 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 7-10-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 22 Điều 2 Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27-1-2022) đã quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chánh Thanh tra Sở TT-TT.

Có thể bạn quan tâm