Từ khi được bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt là ở những “điểm nóng” như: Ia Tiêm (huyện Chư Sê), Ia O (huyện Ia Grai)...
Những điểm sáng
Chúng tôi đến Công an xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) vào một ngày nắng như đổ lửa. Dù hơi mệt mỏi vì thiếu ngủ nhưng Thiếu tá Lê Giang Nam-Trưởng Công an xã-vẫn nhanh nhẹn vừa đón khách, vừa nghe điện thoại xử lý công việc.
Anh vui vẻ nói: “Hôm qua, Bộ Công an mở kết nối dữ liệu dân cư, ưu tiên cho Công an tỉnh Gia Lai làm sạch dữ liệu. Vì vậy, anh em Công an xã làm cả ngày lẫn đêm, đến khoảng 1 giờ sáng thì xóa được 44 trường hợp bị trùng. Dân số của xã là 10.037 người, trong đó có 6.816 người dân tộc thiểu số. Đến nay, chúng tôi đã hoàn thành việc cấp căn cước công dân cho các trường hợp đủ điều kiện; kích hoạt định danh điện tử mức độ 2 đạt 70%, tạo điều kiện tốt nhất để bà con làm thủ tục hành chính nhanh gọn”.
Cán bộ Công an xã Ia O (huyện Ia Grai) làm thủ tục cấp căn cước công dân. Ảnh: Thúy Trinh |
Xã Ia Tiêm có 5 cán bộ Công an chính quy được điều động từ các đội nghiệp vụ của Công an huyện Chư Sê. Phòng làm việc của Công an xã bố trí 4 máy tính kèm máy in, trong đó, 1 máy chuyên dùng để viết báo cáo, 1 máy kết nối dữ liệu dân cư, 1 máy để đăng ký biển số xe máy và máy còn lại có kết nối internet để phục vụ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ở đây còn có 1 ti vi 32 inch kết nối hình ảnh của 8 mắt camera được gắn ở các vị trí trọng điểm của xã.
Ngay từ những ngày đầu đến công tác tại Ia Tiêm, Thiếu tá Nam đã tham mưu xây dựng mô hình “Camera ANTT”. Tháng 1-2020, mô hình ra mắt và hoạt động hiệu quả. Bên cạnh tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm, qua hình ảnh camera thu được, Công an xã có thể phát hiện, gọi hỏi thanh-thiếu niên điều khiển xe máy bốc đầu, nẹt pô, đánh võng… trên đường để răn đe, xử lý. Nhờ đó, tình trạng vi phạm đã giảm hẳn. Địa bàn xã 4 năm trở lại đây không xảy ra tai nạn giao thông.
Không chỉ làm tốt nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn xã hội, Công an xã Ia Tiêm còn chú trọng giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn thông qua việc cảm hóa, giáo dục những đối tượng lầm lỡ; tuyên truyền, vận động người dân không nghe lời kẻ xấu xúi giục, kích động. Là người hiểu hơn ai hết điều này, ông Kpă Do (làng Lê Ngol) cho biết: Vì bị số tay chân của FULRO lưu vong o ép, kích động, năm 2001, ông tham gia vụ gây rối, gây bạo loạn ở TP. Pleiku rồi vượt biên sang Campuchia từ tháng 2 đến tháng 5-2002.
“Tôi còn nhớ như in 21 năm trước, tôi đang đi làm rẫy thì Kpă Thi ở làng Hlũ (xã Ia Tiêm) tới rủ trốn qua Campuchia để được sang Mỹ hưởng giàu sang. Nhưng trên đường đi, chúng tôi bị lạc trong rừng, 4-5 ngày không có gì ăn, không có nước uống, sắp chết đói thì bị cảnh sát Campuchia bắt giữ. Tôi được trao trả về làng, còn Thi thì không hiểu bằng cách nào đó đã sang Mỹ. Nhưng sau này, tôi nghe nói ông ấy ở Mỹ sống cũng không dễ dàng gì và đã chết bên đó. Tôi được Công an tạo điều kiện về nhà làm việc để chăm lo cho vợ và 4 con nhỏ. Đến nay, các con tôi đã khôn lớn, ra riêng cả rồi, vợ chồng tôi chăm sóc 2 ha cà phê, nuôi chục con heo thịt, mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng. Cảm ơn cán bộ Công an xã luôn động viên, cảnh báo để tôi nỗ lực vươn lên; không bị lung lay bởi những lời dối trá của FULRO lưu vong nữa”-ông Do chia sẻ.
Nói về tình hình ANTT ở địa phương trước và sau khi có Công an chính quy về, ông Trần Văn Ban-Chủ tịch UBND xã Ia Tiêm-cho hay: “Trước đây, xã là địa bàn phức tạp về an ninh chính trị, nhất là từ sau 2 vụ gây rối, gây bạo loạn năm 2001, 2004. Bọn FULRO lưu vong thường xuyên lôi kéo số tay chân trong xã hoạt động ngầm. Đồng thời, các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, tụ tập nhậu nhẹt gây rối trật tự công cộng thường xuyên xảy ra. Từ năm 2019 đến nay, lực lượng Công an chính quy được bố trí về xã đã tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, triển khai các giải pháp bảo đảm ANTT một cách chuyên nghiệp, quy củ, góp phần quản lý chặt chẽ đối tượng, ổn định địa bàn. Sự thay đổi đó khiến người dân rất hài lòng, cấp ủy, chính quyền xã đánh giá cao”.
Những năm trước, xã Ia O (huyện Ia Grai) nổi lên vấn đề vượt biên, nhất là trong giai đoạn 2005-2008. Trước tình hình đó, Công an xã chủ động nắm tình hình, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp giữ gìn bình yên biên giới; phối hợp với Đồn Biên phòng Ia O tuần tra vũ trang, xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến ANTT; siết chặt quản lý việc đi lại ở vùng biên để giải quyết tình trạng người dân lợi dụng vượt biên. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, Công an xã đã phối hợp tuần tra, kiểm soát địa bàn 72 lượt; tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật tập trung 24 đợt tại các thôn, làng, trường học với khoảng 4.500 người tham gia.
Trưởng thành từ cán bộ Công an xã bán chuyên trách, ông Rơ Mah Jem-Phó Chủ tịch UBND xã Ia O hiểu rõ nguyên nhân và hậu quả do nạn vượt biên gây ra. Ông Jem cho biết: “Một số đối tượng từ bên ngoài hoặc ở các huyện lân cận câu móc, dụ dỗ người dân các làng giáp biên như làng Bi, làng Cúc vượt biên sang Campuchia để qua nước thứ 3. Có trường hợp lợi dụng đi làm nương rẫy, không có sự giám sát của lực lượng chức năng liền lén lút trốn đi. Tôi còn nhớ ở làng Bi có gia đình dắt díu nhau trốn ra rừng để vượt biên, một người bị đuối nước trong đêm, thương tâm lắm! Sau khi Công an chính quy về xã, 4 năm trở lại đây không có trường hợp trốn ra nước ngoài qua biên giới Ia O. Một số gia đình tự nguyện hồi hương, Công an xã đã tạo điều kiện để họ hòa nhập, ổn định cuộc sống”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, già làng Ksor Bơng (làng Bi, xã Ia O) cho biết: “Trong các buổi họp làng, tôi cùng Công an xã thường xuyên tuyên truyền bà con ra vào địa bàn biên giới sinh sống, làm ăn, thăm thân phải đăng ký với chính quyền địa phương; không vượt biên. Bên đó cũng đi làm thuê cho người ta kiếm sống thôi chứ ai cho không mình đâu. Mình có đất đai, ở trong làng lao động sản xuất, cải thiện cuộc sống, làm giàu cho bản thân và xã hội tốt hơn nhiều chứ. Bà con nghe lời tôi, lại quý mến, tin tưởng Công an xã nên chấp hành tốt”.
Điều kiện tốt để rèn luyện, trưởng thành
Với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo phòng-chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cấp xã, lực lượng Công an xã, thị trấn toàn tỉnh đã chủ động nắm, phân tích, dự báo tình hình, kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các kế hoạch phòng-chống tội phạm; phối hợp tuần tra địa bàn; giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ việc phức tạp về ANTT, không để bị động, bất ngờ; thực hiện tốt việc cảm hóa, giáo dục đối tượng ở cộng đồng, ngăn ngừa vượt biên…
Để huy động sức dân trong phòng-chống tội phạm, Công an cấp xã đã chủ động đề xuất xây dựng và duy trì nhiều mô hình tự quản về ANTT hoạt động hiệu quả như: “Camera an ninh”, “Làng thanh niên không tội phạm và tệ nạn xã hội”; “Cổng làng bình yên”, “Mạng xã hội với pháp luật vì bình yên cuộc sống”...
Công an xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) tranh thủ người có uy tín để tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn an ninh trật tự. Ảnh: T.T |
Sau khi triển khai lực lượng Công an chính quy về các xã, thị trấn, tội phạm về trật tự trên địa bàn tỉnh giảm theo từng năm. Cụ thể, năm 2019, tội phạm xâm phạm trật tự xã hội giảm 4%; năm 2020 giảm 8,83%; năm 2021 giảm 7,32%; năm 2022 giảm 5,97%; quý I-2023 giảm 2,58%.
Từ tháng 3-2019 đến nay, lực lượng Công an cấp xã đã phối hợp tổ chức phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuyên truyền, phổ biến pháp luật hơn 2.100 lượt tại thôn, làng, trường học, cơ quan, doanh nghiệp với khoảng 168.000 lượt người tham gia; phát hơn 150.000 tờ rơi; đăng tải, chia sẻ hàng trăm ngàn tin bài tuyên truyền trên các trang mạng xã hội của Công an xã, thị trấn.
Đồng thời, tiếp nhận, xử lý ban đầu 1.142 vụ việc liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật về hình sự, kinh tế, ma túy. Trong đó, Công an xã trực tiếp giải quyết 189 vụ, chuyển cơ quan điều tra Công an cấp huyện 953 vụ để tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền. Ngoài ra, lực lượng Công an xã xử lý hành chính hơn 2.550 vụ việc với số tiền trên 2,1 tỷ đồng.
Công an xã, thị trấn chính quy còn là lực lượng trọng yếu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, quản lý hành chính về trật tự xã hội; là lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng-chống dịch Covid-19, phòng-chống thiên tai. Đặc biệt, lực lượng Công an xã đã góp công lớn trong việc thu thập, làm sạch dữ liệu dân cư, cấp căn cước công dân, định danh điện tử, thực hiện Đề án số 06 của Chính phủ về “phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030”.
Nhấn mạnh tính đúng đắn, cần thiết và kịp thời của chủ trương đưa Công an chính quy về xã, Đại tá Phạm Hữu Trường-Phó Giám đốc Công an tỉnh-khẳng định: “Nhận thức việc xây dựng Công an xã chính quy, tinh nhuệ, hiện đại nhằm bảo đảm ANTT ngay từ cơ sở, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh đã tập trung chỉ đạo các đơn vị, Công an địa phương quyết liệt triển khai Đề án của Bộ. Đến nay, Công an tỉnh đã bố trí trung bình 5,64 cán bộ Công an chính quy/xã, thị trấn. Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16-3-2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, trước ngày 30-6-2023, 27 xã trọng điểm về ANTT của tỉnh đã được bố trí 8 cán bộ Công an chính quy/xã. Công an tỉnh đang tiến tới bố trí đủ 8 đồng chí/xã, thị trấn còn lại vào năm 2025. Thực tiễn đã chứng minh, công tác ở cấp xã là điều kiện tốt để người cán bộ, chiến sĩ Công an rèn luyện, trưởng thành. Hơn 4 năm qua, có 398 lượt cán bộ Công an xã, thị trấn được các cấp, các ngành khen thưởng”.