Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Bố trí Công an xã chính quy: Chủ trương đúng, hiệu quả cao - Kỳ 2: Những câu chuyện đẹp, giàu tình người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặc dù bộn bề công việc nhưng lực lượng Công an xã luôn sẵn sàng lắng nghe, giúp đỡ, sẻ chia với người dân đúng như phương châm “Lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an”. Những cán bộ Công an chính quy về xã đã và đang viết nên những câu chuyện đẹp, giàu tình người.

“Sâu một việc, biết nhiều việc”

Việc đưa Công an chính quy về xã diễn ra đúng vào cao điểm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về “phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030” và Kế hoạch số 979/KH-CAT-PV01 ngày 15-10-2021 của Giám đốc Công an tỉnh về “tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông gắn với phòng-chống tội phạm”. Vừa từng bước ổn định tổ chức để đưa hoạt động đi vào nền nếp, Công an xã vừa bắt tay thực hiện ngày càng nhiều đầu việc được phân cấp về.

Ngoài thực hiện Đề án 06 và Kế hoạch số 979, Công an cấp xã còn cung cấp dịch vụ công thiết yếu của ngành Công an; kiểm tra, xác minh sơ bộ tin báo, tố giác về tội phạm; đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy; phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ… Cán bộ dù được đào tạo các chuyên ngành khác nhau nhưng cần đáp ứng yêu cầu “sâu một việc, biết nhiều việc”.

Không kể ngày đêm, cán bộ, chiến sĩ Công an cấp xã đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, lập danh sách hàng trăm ngàn người đủ điều kiện cấp căn cước công dân (CCCD) và hàng chục đầu việc liên quan như: phối hợp tổ chức cấp căn cước công dân, kích hoạt tài khoản định danh điện tử lưu động; xác minh hộ khẩu, nhân khẩu; rà soát, đối chiếu, kịp thời cập nhật, điều chỉnh, bảo đảm thông tin dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”...

Đồng thời, rà soát, lập danh sách, gọi hỏi, giáo dục các đối tượng hình sự, ma túy, thanh-thiếu niên hư trên địa bàn; rà soát phương tiện, tuần tra giao thông; tuyên truyền các quy định của Luật Giao thông đường bộ; cảnh báo các loại tội phạm.

Cán bộ Công an xã Ia Ko (huyện Chư Sê) tuần tra đêm, nhắc nhở thanh-thiếu niên vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: Thúy Trinh

Cán bộ Công an xã Ia Ko (huyện Chư Sê) tuần tra đêm, nhắc nhở thanh-thiếu niên vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: Thúy Trinh

Xã Ia O (huyện Ia Grai) có 2.635 hộ với 10.832 khẩu, tạm trú 152 hộ với 371 khẩu. Để người dân nắm được những nội dung cơ bản của Đề án 06, trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng Công an xã phối hợp tuyên truyền trên các trang mạng xã hội, hệ thống loa truyền thanh tại các thôn, làng; tuyên truyền tập trung 12 buổi tại 9 làng, 3 đội sản xuất với 858 người tham dự. Tính đến ngày 23-6-2023, trên 97% công dân đủ điều kiện đã được làm CCCD. Công an xã đã tập hợp người dân ở các làng vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới để chở 150 người lên trụ sở Công an xã làm CCCD, kết hợp rà soát, điều chỉnh thông tin cá nhân, kích hoạt định danh điện tử.

Đến Công an xã để kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VneID) mức độ 2, chị Trần Thị Hằng (làng Dăng, xã Ia O) vui vẻ cho biết: “Nhờ Công an xã tuyên truyền, tôi biết khi kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên điện thoại thông minh thì có thể tích hợp được CCCD, bằng lái xe, thẻ bảo hiểm... Việc này rất tiện lợi. Chúng tôi thấy cán bộ Công an xã thời gian này nhiều việc, vất vả nhưng luôn nỗ lực và tận tâm, tuyên truyền giải thích cho người dân hiểu, tự giác chấp hành pháp luật. Bà con rất yên tâm khi có Công an chính quy về xã vì tình hình an ninh trật tự yên ổn hơn trước rất nhiều”.

Thức tỉnh người lầm lỗi

Cũng tại trụ sở Công an xã Ia O, chúng tôi gặp một nhân vật khá đặc biệt là ông N.V.T. Gần 50 tuổi nhưng ông T. đã trượt dài trong nghiện ngập ma túy hơn 20 năm. Năm 2018, vì tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, T. bị xử phạt 18 tháng tù. Năm 2020, sau khi chấp hành xong án phạt tù, được gia đình động viên, ông quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy.

Ông tâm sự: “Điều khiến tôi cảm động và biết ơn là sau khi làm CCCD, các anh Công an xã còn quan tâm giới thiệu việc làm. Sợ tôi mặc cảm, các anh tìm việc ở xa cho tôi. Những tưởng giám đốc công ty đó không biết quá khứ của tôi nên mới nhận vào làm. Nhưng khi đến nhận việc, tôi xúc động vô cùng vì họ biết hết, nhưng vẫn bao dung và cho tôi thử việc 6 tháng. Chính vì thế mà tôi quyết tâm không sa vào vũng lầy ấy nữa”.

R.M.C. (làng Mit Jép, xã Ia O) năm nay tròn 18 tuổi. Em vừa trở về đoàn tụ với gia đình sau khi được Ban Giám hiệu Trường Giáo dưỡng số 3 (Bộ Công an) giảm 6 tháng thời gian học tập vì có 2 giấy khen về thành tích tốt trong học tập, tham gia phong trào của trường. Trước khi vào trường giáo dưỡng, C. nhiều lần trộm cắp tài sản. Khi C. rời trường về làng ở với bố mẹ, cán bộ Công an xã thường gọi điện hỏi thăm tình hình, động viên đừng tái phạm và tìm hiểu nguyện vọng.

Cậu trai trẻ trông bụi bặm, lầm lì ít nói, nhưng lại có ước mơ rất dễ thương chia sẻ: “Em muốn đi học nấu ăn để làm đầu bếp ở nhà hàng. Các anh Công an xã nói rồi, phải chăm chỉ đi làm, để dành tiền đi học. Có quyết tâm thì ước mơ này có thể thành hiện thực”.

Từ năm 2019 đến nay, lực lượng Công an xã đã rà soát, thống kê, lập danh sách, từ đó có biện pháp phù hợp để cảm hóa, giáo dục những người lầm lỡ. Qua đó, lực lượng này đã chủ động gọi hỏi hơn 6.000 lượt đối tượng; lập 202 hồ sơ giáo dục tại xã, thị trấn; phối hợp lập hồ sơ đưa 4 trường hợp vào cơ sở giáo dục bắt buộc, 17 trường hợp vào trường giáo dưỡng, 64 trường hợp vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Những kết quả đó đóng góp quan trọng trong công tác phòng ngừa tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở.

Những người đồng hành tin cậy

Anh Siu Tinh (làng Vel, xã Ia Ko, huyện Chư Sê) từng theo FULRO hoạt động trái pháp luật, bị tuyên phạt 8 năm tù. Mãn hạn tù trở về làng, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, con nhỏ, vợ đau ốm thường xuyên khiến anh nhiều lần nản chí. Những lúc đó, ông Rơ Mah Phiar (người có uy tín trong làng) và cán bộ Công an xã thường đến gặp gỡ, động viên, hướng dẫn anh chăm sóc cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, anh Tinh đi làm thuê, ngày không có việc thì chăm sóc 200 cây cà phê trong vườn hay kiếm cỏ nuôi 2 con bò, 3 con dê. Cuộc sống gia đình đã bước đầu ổn định.

Thường xuyên gần gũi, phối hợp công tác, ông Rơ Mah Phiar xem các cán bộ Công an xã như con cháu trong gia đình. Ông quý họ ở sự nhiệt tình, chân thành lo lắng cho công việc của làng, của xã. “Khi cán bộ Công an xã cần giúp gì, tôi sẵn sàng giúp vì đó đều là những việc có ích cho bà con. Tôi cùng với Công an xã thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con đừng nghe kẻ xấu. Bên cạnh đó, chúng tôi gặp gỡ thân nhân của những người mới chấp hành xong án phạt tù để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, có khó khăn gì thì đề xuất giúp đỡ”-ông Phiar nói.

Công an xã Ia Yeng (huyện Phú Thiện) giúp người dân khắc phục hậu quả cơn mưa giông ngày 15-4-2023 (ảnh Công an huyện Phú Thiện cung cấp).

Công an xã Ia Yeng (huyện Phú Thiện) giúp người dân khắc phục hậu quả cơn mưa giông ngày 15-4-2023 (ảnh Công an huyện Phú Thiện cung cấp).

Ia Ko từng là một trong những xã trọng điểm về hoạt động FULRO, “Tin lành Đê ga” và vượt biên. Hiện nay, FULRO lưu vong triệt để lợi dụng mạng xã hội, ráo riết chỉ đạo một số đối tượng ở địa bàn. Tin lời hứa hẹn của FULRO, một số đối tượng còn chưa từ bỏ tham vọng hoặc có tư tưởng lưng chừng. Vì vậy, Công an xã đặc biệt quan tâm đến công tác nắm tình hình để có giải pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Thiếu tá Lê Kim Thắng-Trưởng Công an xã-cho biết: “Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối tượng, địa bàn, Công an xã đã tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng-chống tội phạm, tệ nạn xã hội; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc xã; phân công cán bộ chủ chốt quản lý, giáo dục các đối tượng. Qua công tác giám sát, vận động, cảm hóa, nhiều đối tượng đã có sự chuyển biến về tư tưởng, trở thành người có ích cho xã hội. Trong công tác này, chúng tôi đặc biệt chú trọng tranh thủ người có uy tín như già làng, trưởng thôn, cán bộ Mặt trận. Họ là những người trực tiếp sinh sống, gần gũi, tiếp xúc hàng ngày với đối tượng, thường xuyên vận động đối tượng quay về con đường lương thiện”.

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự mà cán bộ, chiến sĩ Công an xã còn là những người bạn đồng hành tin cậy, gắn bó với người dân, luôn lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con; nỗ lực đáp ứng các nhu cầu, mong muốn chính đáng; sẵn lòng giúp đỡ người dân trong mọi tình huống. Hôm đến làng Vel, chúng tôi có dịp cùng Đại úy Nguyễn Ngọc Diệu-Phó Trưởng Công an xã Ia Ko tới thăm nhà bà Siu He. Bà He đang nuôi 3 cháu ngoại mồ côi cả cha lẫn mẹ, cháu lớn nhất năm nay 9 tuổi, đứa nhỏ nhất mới hơn 1 tuổi. Thấy bé út Siu Binh bị sốt cao, tiêu chảy đã 2 ngày, Đại úy Diệu vội vã giục bà He chuẩn bị ít đồ để đưa bé đến Trạm Y tế xã. “Để lâu như vậy không được đâu, cháu mất nước, mất sức, trông xanh xao quá!”-Đại úy Diệu nói với bà He.

Trong lúc chờ Siu Binh được điều trị, bà He kể: “Năm 2021, không hiểu thằng Siu Dôi con rể tôi nó buồn chuyện gì mà tự tử. Một năm sau đó, Siu Lốp-mẹ tụi nhỏ-bị bệnh nặng cũng qua đời. Hồi con gái mất, nhà nghèo, không lo nổi cái quan tài cho con, tôi đau lòng lắm. Lúc đó có cán bộ Diệu và Công an xã đến vận động mọi người quyên góp lo hậu sự cho con tôi xong, lại kêu gọi được hơn 30 triệu đồng xây nhà cho bà cháu tôi ở. Tôi cảm ơn cán bộ nhiều lắm”.

Hơn 4 năm về xã, lực lượng Công an chính quy ngày càng được người dân tin yêu, giúp đỡ. Và chính tình cảm đó là nguồn động viên, khích lệ giúp họ tiếp tục gắn bó, dựa vào Nhân dân để giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm bình yên cho các thôn làng.

Từ năm 2019 đến nay, Công an cấp xã tiếp nhận, trả kết quả 117.015 hồ sơ đăng ký thường trú, 22.575 hồ sơ đăng ký tạm trú; vận động thu hồi 1.087 khẩu súng, 2.226 viên đạn, đầu đạn, 22 kg thuốc nổ, 556 vũ khí thô sơ, linh kiện lắp ráp, 1.717 công cụ hỗ trợ, 140 lựu đạn, bom, mìn các loại. Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn 180 lượt cơ sở kinh doanh có điều kiện, phát hiện, xử lý 22 cơ sở vi phạm. Phát hiện, xử lý hơn 12.500 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ; tiếp nhận, trả kết quả 11.713 hồ sơ đề nghị cấp biển số mô tô, xe gắn máy...

Có thể bạn quan tâm