Kinh tế

Giá cả thị trường

Bộ trưởng BCT: Đến 2020, xử lý xong 12 dự án lỗ nghìn tỷ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tiếp tục phiên thảo luận về kinh tế-xã hội, sáng 26-5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã báo cáo Quốc hội một số nội dung về phát triển xuất khẩu, thị trường; vấn đề giải cứu nông sản; công nghiệp hỗ trợ và các dự án kém hiệu quả.

Thay đổi mô hình, cơ chế chính sách để thu hút đầu tư của doanh nghiệp

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trong những năm vừa qua, lĩnh vực xuất khẩu đã đi theo đúng định hướng. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng giảm thiểu sản phẩm thô sơ, tăng cường các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo cũng như các sản phẩm chế biến lĩnh vực nông nghiệp.

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu, giải trình các vấn đề đại biểu nêu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu, giải trình các vấn đề đại biểu nêu.

Cùng với đó, thị trường đã có cải thiện đáng kể với quan hệ thương mại trên 200 quốc gia và các thị trường. Đến nay đã có 28 ngành hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD...

Để đảm bảo được áp lực của sản xuất và nền kinh tế Việt Nam, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, chiến lược tham gia hội nhập quốc tế của Việt Nam rất đúng định hướng và kịp thời.

Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và một loạt đối tác song phương, đa phương đã cơ bản tại được thị trường đảm bảo năng lực sản xuất đang ngày càng gia tăng của Việt Nam. Chất lượng và giá trị gia tăng trong xuất khẩu cũng ngày càng được cải thiện cùng với những phát triển về thương hiệu và sự tham gia vào chuỗi cung cầu thế giới.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, việc phát triển chưa bền vững do chất lượng sản phẩm chưa có sự đồng nhất, ổn định. Đây là trở ngại rất lớn để thị trường Việt Nam xây dựng thương hiệu và phát triển theo chuỗi; đồng thời đáp ứng được những yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do, tập quán thương mại quốc tế về truy xuất nguồn gốc và kiểm tra chất lượng sản phẩm

Một vấn đề nữa được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhắc đến là sự phụ thuộc vào thị trường trọng yếu, đặc biệt là một số thị trường phát triển nóng như: Trung Quốc, Liên minh châu Âu. Trong việc tháo dỡ các rào cản, cần gia tăng năng lực sản xuất, đảm bảo được các điều kiện thị trường, giảm thiểu các hàng rào quan thuế. Có được những điều này nhưng nếu không đảm bảo được chất lượng, vượt qua được hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là vấn đề về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật thực vật thì chắc chắn nhiều mặt hàng sẽ bị khống chế, dẫn đến khó đảm bảo được phát triển bền vững về thị trường này.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cần nhìn nhận thực tế có sự yếu kém trong phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các bộ ngành đối với việc nghiên cứu, theo dõi, phân tích đánh giá về tín hiệu thị trường nhằm gắn kết hơn nữa giữa thị trường với lực lượng sản xuất trong nước.

“Đặc biệt, từ chỗ nghiên cứu nắm bắt được tín hiệu thị trường thì khâu xử lý tiếp theo là như thế nào trong việc hỗ trợ cho người nông dân tổ chức sản xuất; cần xác định đây chỉ là các ngành hàng nằm trong các nhóm ngành hàng trọng điểm hay chỉ là những ngành hàng thời vụ,” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, phải tạo ra được sự thay đổi lớn, trong đó có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào các hoạt động sản xuất để tổ chức theo chuỗi đó; đồng thời thay đổi mô hình, cơ chế chính sách nhằm thu hút sự đầu tư của doanh nghiệp vào các khâu sản xuất, chế biến, phân phối với chuỗi cung ứng của trong nước, khu vực và thế giới.

Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ

Liên quan đến vấn đề về công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, công nghiệp chế biến chế tạo và ngành công nghiệp nói chung đã có không ít dấu hiệu bền vững với tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm tới 14,5 % và ngành công nghiệp nói chung khoảng 9,7%. Đây chính là động lực trong phát triển kinh tế thời gian tới, cũng như đảm bảo chiến lược công nghiệp hóa đất nước.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, bên cạnh những yếu tố tích cực, vai trò của công nghiệp hỗ trợ còn một số tồn tại, hạn chế. Hiện trên cả nước mới có khoảng hơn 1.800 doanh nghiệp tham gia lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó chỉ có 0,32% tham gia công nghiệp chế biến chế tạo. Với đặc thù của các doanh nghiệp Việt Nam là hạn chế về năng lực, công nghệ; quy mô doanh nghiệp ở mức siêu nhỏ, nhỏ và vừa thì khả năng tiếp cận ngành công nghiệp hỗ trợ của khu vực và thế giới còn rất hạn chế.

Cùng với đó, cạnh tranh ngày càng gay gắt trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn cầu hóa đang gây ra áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, thời gian tới, cần tiếp tục tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp khai thác những cơ hội của hội nhập để tiếp cận với công nghệ và thị trường thế giới; hỗ trợ tham gia vào các chuỗi cung ứng, trong đó có vai trò của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp tại các chuỗi cung ứng ở trong nước, khu vực và thế giới; có biện pháp hỗ trợ cụ thể để các doanh nghiệp tham gia các cơ chế thí điểm tại các thị trường năng lượng, cơ khí chế tạo…; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, coi đó là nguồn lực cơ bản thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ.

Đến năm 2020 hoàn thành giải quyết 12 dự án kém hiệu quả thuộc ngành công thương

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Chính phủ đã lập Ban Chỉ đạo xử lý do 1 Phó Thủ tướng làm Trưởng ban, Bộ trưởng Công Thương làm Phó Trưởng Ban, hiện đã triển khai nghiên cứu đánh giá toàn bộ lại các dự án này. Trên cơ sở 138 văn bản chỉ đạo các nhiệm vụ thực hiện, trong năm 2017, Ban Chỉ đạo đã hoàn thành đề án xử lý 12 dự án; phấn đấu hết 2018 sẽ xử lý cơ bản những tồn tại lớn của 12 dự án này, đến năm 2020 hoàn thành xử lý, đồng thời có giải pháp ngăn chặn việc hình thành những dự án yếu kém mới trong tương lai.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong năm 2018, Ban Chỉ đạo đã thực hiện hàng loạt giải pháp đồng bộ và toàn diện với sự tham gia của tất cả các bộ ngành tới các cấp. Với tinh thần không cấp thêm vốn Nhà nước cho việc xử lý các dự án này, đến nay, trong số 6 dự án dừng hoạt động sản xuất kinh doanh do thua lỗ, đã có 2 dự án đã hoạt động trở lại và có lãi mặc dù lãi còn ở mức khiêm tốn, đó là Nhà máy phân bón DAP Hải Phòng, Nhà máy thép Việt Trung.

Đối với ba dự án: PVTex Đình Vũ, Ethanol Quảng Ngãi và Ethanol Bình Phước thì nhà máy xơ sợi Đình Vũ đã hoạt động trở lại, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhà máy với đối tác nước ngoài. Hiện đã có 1 dây chuyền hoạt động, sắp tới sẽ có 3 dây chuyền hoạt động. Bốn dự án: Nhà máy phân đạm Ninh Bình, Đạm Hà bắc, DAP Lào Cai, Công ty đóng tàu Dung Quất đang tiếp tục được khắc phục.

Tại Nhà máy Gang thép Thái Nguyên đã rút được khoảng 1.000 tỷ đồng vốn Nhà nước ra khỏi dự án này, đang làm quy trình pháp lý thoái toàn bộ vốn ra khỏi hai nhà máy: gang thép Thái Nguyên và Tisco để đảm bảo nguồn vốn nhà nước, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mới giải quyết tồn đọng với các nhà thầu.

Cho rằng, việc thực hiện các giải pháp này mới chỉ ở khía cạnh kinh tế thương mại và hiệu quả của dự án, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, vấn đề rất quan trọng là việc xử lý các sai phạm của các cá nhân và tổ chức.

Đến nay, về cơ bản cả 12 dự án này đều đã được các cơ quan chức năng gồm: Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, thanh tra Bộ Công Thương, thành tra Bộ Tài chính lần lượt tiến hành các hoạt động điều tra, cơ bản bước đầu đã chỉ ra rõ những sai phạm của các cá nhân và tổ chức ở mức độ khác nhau và đang tiếp tục hoàn thiện những vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự, cố ý làm trái thì đã có xử lý bước đầu với một số cá nhân, tổ chức.

Thu Phương-Phúc Hằng/TTXVN

Có thể bạn quan tâm