Kinh tế

Nông nghiệp

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan: Gia Lai phấn đấu trở thành trung tâm nông sản của Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 18-12, đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về kết quả và định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Làm việc với đoàn có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Kpă Thuyên, Nguyễn Thị Thanh Lịch và đại diện lãnh đạo các sở, ngành.
Nông nghiệp chuyển biến mạnh mẽ
Theo ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Trong giai đoạn 2016-2020, nền kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm đạt 7,55%. Năm 2020, GRDP của tỉnh đạt 80.000 tỷ đồng, gấp 1,63 lần so với năm 2015. Đến năm 2020 tỷ trọng ngành nông-lâm nghiệp, thủy sản chiếm 37,18%. Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, GRDP của tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng khá, đạt 9,03%; trong đó nông-lâm nghiệp, thủy sản chiếm 34,96%, công nghiệp-xây dựng chiếm 28,91%, dịch vụ chiếm 31,56%...; thu nhập bình quân đầu người đạt 56,31 triệu đồng; tổng diện tích gieo trồng đạt 557.685 ha; tổng sản lượng lương thực đạt 582.061 tấn. Đến nay, toàn tỉnh có 32.719,8 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước và khoảng 227.176 ha cây trồng các loại sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO. Ngành chăn nuôi cũng chuyển dịch dần từ nhỏ lẻ, phân tán sang tập trung, quy mô công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, sản xuất khép kín theo chuỗi liên kết. Hiện toàn tỉnh có 135 trang trại chăn nuôi liên kết sản xuất.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh trồng được 25.599 ha rừng; trong đó năm 2021 trồng được 8.013 ha, đạt 100,3% kế hoạch. Toàn tỉnh thực hiện khoán quản lý, bảo vệ rừng bình quân 148.314 ha/năm; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên 1.300 ha/năm; mỗi năm khai thác và trồng lại khoảng 1.000 ha rừng sản xuất với sản lượng gỗ nguyên liệu 110.000-130.000 m3/năm. Đặc biệt, trong năm 2021, cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lê Nam
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lê Nam
Năm 2021, tỉnh dự kiến có thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Qua đó, toàn tỉnh có 100/182 xã (đạt tỷ lệ 54,9%) và 181 thôn làng đạt chuẩn nông thôn mới. Giai đoạn 2018-2020, tỉnh có 149 sản phẩm OCOP và dự kiến năm 2021 có thêm 82 sản phẩm mới được công nhận, vượt 29 sản phẩm so với kế hoạch. Toàn tỉnh có 274 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động với hơn 9.200 thành viên. Tỉnh cũng đã ra mắt 61 mô hình nông hội với 2.025 hội viên. Hiện nay, toàn tỉnh đã thu hút được 327 dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp với quy mô khoảng 50.413 ha, tổng kinh phí đầu tư khoảng 30.525 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh đã hình thành được 18 khu sản xuất tập trung có ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 3.490 ha gồm các sản phẩm chính như: chuối, bơ, sầu riêng, thanh long, ớt, hồ tiêu, cà phê, rau, hoa; có khoảng 231.000 ha cây trồng các loại thực hiện liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm với 81 hợp tác xã, 72 tổ hợp tác, trên 11.862 hộ nông dân và 42 doanh nghiệp tham gia đầu chuỗi liên kết…
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho rằng: Sau 5 năm (2016-2020) triển khai Kế hoạch hành động thực hiện “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu”, nông nghiệp của tỉnh đã chuyển biến mạnh mẽ. Ngành nông nghiệp đã từng bước chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hình thành các vùng chuyên canh tập trung và phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Từ đó, tạo ra các loại hàng hóa có giá trị kinh tế và tính cạnh tranh gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, góp phần chuyển dịch mạnh về cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Phát triển nông nghiệp gắn với thương hiệu “Gia Lai xanh”
Tại buổi làm việc với đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành khẳng định: Gia Lai vẫn xác định nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Do đó, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục khai thác tiềm năng về nông nghiệp và lấy nông nghiệp làm tiền đề để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân. Hiện tỉnh đã xây dựng “Đề án đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch của tỉnh Gia Lai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, “Đề án phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2030”. Tỉnh đang tìm mọi nguồn lực để đầu tư hệ thống thủy lợi, đặc biệt gắn với doanh nghiệp đầu tư, khai thác hồ chứa nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp; tìm giải pháp chuyển đổi một số diện tích cây cao su kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị cao hơn.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tập trung phát triển cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp, nhất là hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển ngành trồng trọt ứng dụng công nghệ cao với các loại cây trồng chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, rau, hoa và dược liệu; hình thành các chuỗi liên kết do doanh nghiệp làm đầu chuỗi với hợp tác xã, tổ hợp tác; triển khai việc truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm nông-lâm nghiệp của tỉnh. Đồng thời chú trọng phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn; hình thành các vùng chăn nuôi tập trung gắn với xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật và kiểm soát ô nhiễm môi trường; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm, lấy doanh nghiệp làm đầu chuỗi. Ngoài ra, phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, thực hiện công tác giao đất, giao rừng, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu; kêu gọi thu hút dự án đầu tư vào sản xuất tại các vùng nông-lâm nghiệp và thủy sản ứng dụng công nghệ cao.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, thời gian đến, tỉnh mong muốn Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ để xây dựng Gia Lai trở thành trung tâm sản xuất nông sản của Tây Nguyên. Để đạt mục tiêu đó, tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT quan tâm, hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, nhất là hạ tầng thủy lợi, giao thông, logistic; thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rau, hoa, quả nhằm từng bước chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng các mặt hàng nông sản; bố trí đủ kinh phí để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, cho công tác quản lý bảo vệ rừng để các địa phương có lợi thế phát triển kinh tế rừng, trồng rừng. Ngoài ra, tỉnh đề nghị Bộ xem xét hỗ trợ dự án lai cải tạo đàn bò vì đàn bò của tỉnh nhiều thứ 2 cả nước nhưng tỷ lệ bò lai chỉ đạt 40%.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan (bìa phải) thăm Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa). Ảnh: Lê Nam
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan (bìa phải) thăm Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa). Ảnh: Lê Nam
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao những nỗ lực và kết quả tích cực về thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh trong những năm qua. Bộ trưởng cho rằng, Gia Lai đã có những định hướng phát triển nông nghiệp phù hợp. Với nguồn lực đất đai dồi dào cũng như điều kiện giao thông thuận lợi, Gia Lai cần trở thành trung tâm nông sản của khu vực Tây Nguyên. Ngoài ra, tỉnh nên tăng cường kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi nhưng phải cẩn trọng với những tác động của môi trường. Những doanh nghiệp lớn cần đầu tư công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường. Bởi lẽ, những sản phẩm khi xuất khẩu ra nước ngoài thì vấn đề được người tiêu dùng quan tâm không chỉ là chất lượng mà còn liên quan đến những tác động môi trường. Từ những vấn đề đó, Gia Lai cần xây dựng nông nghiệp trên nền tảng sẵn có gắn với thương hiệu “Gia Lai xanh”.
“Gia Lai nên tận dụng những tiềm năng, diện tích rừng để tạo ra bước ngoặt, bứt phá về sản phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương. Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ trình với Chính phủ để chính thức hóa việc phát triển kinh tế dưới tán rừng thông qua các mô hình trồng dược liệu, nấm, chăn nuôi, tạo sinh kế cho người dân”-Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm